Những âm hưởng tích cực

Mặc dù năm 2020 ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, song các đánh giá và dự báo về kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực. Việt Nam nằm trong số ít quốc gia vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương và phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V. Việt Nam được coi là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với năm nền kinh tế lớn trong khu vực Ðông - Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Theo báo cáo mới nhất Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020 công bố ngày 10-12-2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam từ 1,8% (đưa ra hồi tháng 9-2020) lên 2,3% và tăng trưởng năm 2021 là 6,1%.

Năm 2020 là năm thành công của Việt Nam cả về được mùa, được giá và xuất khẩu gạo. Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục được củng cố. Tính chung 11 tháng, cả nước trung bình mỗi tháng có 15 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, so với 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Chuyển đổi số cũng được tăng cường trong các tập đoàn và doanh nghiệp.

Năm 2020 cũng ghi nhận những mốc mới trong hội nhập quốc tế, với sự nâng cao một bước vị trí, uy tín và năng lực đảm nhận "trọng trách kép" trong năm 2020 khi đồng thời là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020 - 2021), Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả EVFTA; tham gia ký Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và FTA Việt Nam - Anh… Bên cạnh đó, Việt Nam lần thứ hai liên tiếp đoạt giải "Ðiểm đến di sản hàng đầu thế giới 2020" của tổ chức World Travel Awards (WTA - Giải thưởng Du lịch Thế giới).

Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Ðông - Nam Á duy nhất đạt được năm mục tiêu hành động của Liên hợp quốc, trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu… Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dự kiến còn 2,75% (so với mức 9,88% năm 2015 và 3,75% năm 2019), đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.

Những kết quả tích cực này là cộng hưởng những thành tựu và động lực tăng trưởng kinh tế từ năm 2019, khi nước ta thành công trong kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; sớm đưa ra các biện pháp tài chính - tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Chúng ta đã đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp; đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hình thành các chuỗi cung ứng và liên kết kinh tế mới. Ðồng thời, Việt Nam đang và sẽ được hưởng lợi từ sự tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương; từ sự dịch chuyển, tái định vị các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp và an toàn hơn.

Ðể hướng tới những thành công lớn hơn trong năm 2021 và những năm tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt "mục tiêu kép", ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, không hoang mang nhưng không được chủ quan… Tất cả, nhằm đạt mục tiêu cho năm 2021 tăng GDP khoảng 6% so với năm 2020; quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Những thành công bước đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì tốc độ phát triển kinh tế, ổn định xã hội và vị thế đất nước thời gian qua là tiền đề quan trọng để chúng ta hướng tới những mục tiêu cao hơn trong tương lai.