Nhiều mô hình chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả ở Tuyên Quang

Tuyên Quang là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước, với tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%. Ðể có được kết quả này, công tác bảo vệ và phát triển rừng được cấp ủy, chính quyền huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn vào cuộc. Do vậy, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, giảm dần nạn phá rừng, mất rừng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Cán bộ kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang tuần tra, bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang tuần tra, bảo vệ rừng.

Huyện Hàm Yên có diện tích rừng hơn 90 nghìn héc-ta, trong đó rừng đặc dụng và rừng phòng hộ hơn 13 nghìn héc-ta. Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Yên đã phối hợp UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp vi phạm; đôn đốc các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ tốt diện tích rừng trồng phòng hộ hiện có. Ðồng thời tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và không ngừng củng cố tổ, đội PCCCR cấp xã cũng như xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng... Ðể bảo vệ rừng hiệu quả, Hạt Kiểm lâm huyện đã ký hợp đồng bảo vệ rừng với các hộ gia đình trên địa bàn, nhất là các hộ ở gần rừng. Gia đình anh Trần Văn Xuân, thôn Xít Xa, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên là một trong những trường hợp đó. Từ năm 2018, gia đình anh nhận quản lý, bảo vệ hơn 23 ha rừng tự nhiên với mức thù lao hơn 10 triệu đồng mỗi năm. Số tiền từ nhận khoán bảo vệ rừng là nguồn thu nhập ổn định để anh trang trải cuộc sống gia đình và lo cho các con đi học. Anh Trần Văn Xuân cho biết, chúng tôi có trách nhiệm tuần tra và nếu phát hiện những khu vực nào có hiện tượng xâm hại, lấn chiếm rừng thì báo cáo kịp thời với UBND xã và cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã; đồng thời tuyên truyền cho người dân không phá rừng, không lấn chiếm đất rừng làm nương, rẫy, không săn bắt động vật quý hiếm…

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, cùng việc tăng cường lực lượng về công tác tại địa bàn, bám rừng để bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang đã phối hợp UBND các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức được 1.060 cuộc tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cho gần 76 nghìn lượt người; hơn 30 hội nghị về bảo vệ rừng và PCCCR tại 26 xã, hơn 260 thôn trọng điểm với 2.102 lượt người tham gia; 88 chủ tịch UBND các xã có rừng ký cam kết với chủ tịch UBND huyện; 1.377 trưởng thôn ký với chủ tịch UBND xã; đồng thời vận động hơn 60 nghìn hộ gia đình ký với thôn, bản; gần 13 nghìn học sinh ký cam kết với nhà trường thực hiện công tác bảo vệ rừng.

Ðối với công tác PCCCR, lực lượng kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang đã áp dụng hệ thống cảnh báo sớm cháy rừng trên điện thoại thông minh của các lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm đến lãnh đạo các hạt, trạm kiểm lâm. Ðồng thời, thực hiện hệ thống bảng, biển cảnh báo cấp cháy rừng tại các khu vực trọng điểm... cho nên nhiều năm nay mặc dù thời tiết có diễn biến phức tạp, khô hanh, nắng nóng nhiều đợt kéo dài, nhưng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang không xảy ra cháy rừng. Thường xuyên kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững từ tỉnh đến cơ sở, các tổ, đội bảo vệ rừng. Ðến nay, toàn tỉnh có 1.629 tổ và 98 đội bảo vệ rừng, PCCCR, với tổng số người tham gia là 18.191 người. Cán bộ kiểm lâm thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng, UBND cấp huyện, cấp xã chỉnh sửa, bổ sung 143 phương án PCCCR bảo đảm phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; tổ chức vận hành và sử dụng hệ thống thiết bị, phần mềm cảnh báo cháy rừng và vận hành hệ thống bảng, biển cảnh báo cấp cháy rừng tự động; phần mềm phát hiện sớm điểm nghi cháy bằng dữ liệu ảnh vệ tinh, đồng thời thông báo qua hệ thống tin nhắn cho hạt trưởng các hạt kiểm lâm, các cơ quan, cá nhân, đơn vị liên quan biết kịp thời kiểm tra, xác minh để chỉ đạo chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả. Chỉ tính riêng năm 2019, đã cảnh báo sớm được 189 điểm nghi cháy rừng qua phần mềm cho nên không để xảy ra sự cố về cháy rừng. Tăng cường nắm bắt thông tin, chủ động tổ chức kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm, các khu rừng giáp ranh còn nhiều lâm sản, có nguy cơ bị xâm hại cao để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật các hành vi vi phạm. Trong năm 2019, tổng số vụ vi phạm giảm 142 vụ, giảm 27% so với năm 2018, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 7,6 ha, giảm 37,5% so với năm 2018.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn. Quyền Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Bảo Anh cho biết, toàn tỉnh có 10 hạt kiểm lâm, 40 trạm, 32 chốt bảo vệ rừng và năm ban quản lý rừng. Ðiều kiện nơi làm việc của lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng còn khó khăn, hiện nay dữ liệu theo dõi diễn biến rừng hằng năm chủ yếu mang tính chất thống kê, báo cáo, chưa tạo được cơ sở dữ liệu bản đồ; việc ứng dụng công nghệ hiện đại như viễn thám, GIS còn hạn chế. Ðường vận chuyển lâm sản cũng chưa đáp ứng nhu cầu khai thác. Một số địa phương trong tỉnh có hàng nghìn héc-ta rừng và đất lâm nghiệp, nhưng chưa khai thác được vì chi phí khai thác và vận chuyển cao cho nên giá trị thu nhập của rừng đạt thấp. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản chưa cao, chưa phân hóa được các đối tượng để có hình thức tuyên truyền phù hợp, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng; đối tượng tuyên truyền chủ yếu là người dân sống ở liền rừng trình độ dân trí không đồng đều cho nên khả năng tiếp thu còn hạn chế. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị cơ sở tăng cường các biện pháp khắc phục khó khăn, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm.