Nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể

Tuyên Quang hiện có 379 hợp tác xã (HTX), 537 tổ hợp tác, với nhiều mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp, tạo việc làm cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Liên kết chăn nuôi bò nhốt chuồng ở HTX Nông, lâm nghiệp dịch vụ Thành Công, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Liên kết chăn nuôi bò nhốt chuồng ở HTX Nông, lâm nghiệp dịch vụ Thành Công, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Được thành lập năm 2013, HTX Chè Vĩnh Tân (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) là một thí dụ về việc đổi mới cách làm, chọn hướng phát triển bền vững thông qua sản phẩm VietGAP. Ban đầu HTX có 26 thành viên, khoảng 30 ha chè nguyên liệu, vốn điều lệ chưa tới 200 triệu đồng. Cùng việc duy trì giống chè xanh truyền thống, thành viên HTX đã phát triển thêm một số giống chè mới, có chất lượng và giá trị kinh tế cao như chè Bát Tiên, Ngọc Thúy, O25… HTX thực hiện liên kết với các hộ trồng chè, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác chuẩn VietGAP; đồng thời, hỗ trợ cung ứng đầu vào (vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…) và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Sản phẩm chè của HTX đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã số, mã vạch và được xác nhận chỉ giới địa lý cho vùng sản xuất chè đặc sản.

Đến nay, HTX có hơn 90 xã viên với vùng chè tập trung khoảng 100 ha. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật, máy móc hiện đại cho nên năng suất bình quân liên tục tăng từ 8 đến 10 tấn/ha, lên mức từ 12 đến 14 tấn/ha.

Giá sản phẩm chè được nâng cao, từ mức 100.000 đến 160.000 đồng/kg lên hơn 250.000 đồng/kg.

Năm 2017, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 5 triệu đồng/người/tháng. HTX đang tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng gần 2.000 m2, dự kiến công suất đạt 20 tấn chè búp tươi/ngày. Chè Vĩnh Tân hiện không chỉ có mặt trên thị trường tỉnh mà còn mở rộng ra nhiều địa phương khác trong cả nước và xuất khẩu. Nhờ cây chè, thôn Vĩnh Tân có hơn 96% số hộ có nhà xây kiên cố, hơn 50% số hộ có cuộc sống khá và giàu.

Cây cam là cây chủ lực của huyện Hàm Yên, với diện tích hơn bảy nghìn héc-ta, được trồng tập trung tại các xã Phù Lưu, Minh Dân, Yên Thuận, Tân Thành... Cây cam đã giúp nhiều hộ nông dân của huyện thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Trồng cam đã trở thành một nghề góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động trên địa bàn. HTX Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu ở xã Phù Lưu là một trong các đầu mối sản xuất và cung ứng cam sành chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX đã được cấp giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP từ năm 2015. HTX còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của địa phương, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn miễn phí cho người dân trong vùng về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản…

để sản phẩm cam sành có chất lượng tốt nhất; đồng thời chủ động liên kết giữa người trồng cam với các siêu thị như BigC, Metro, Liên hiệp HTX TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn Coop)... để tiêu thụ sản phẩm Cam sành Hàm Yên với giá ổn định. HTX đã từng bước đổi mới phương pháp tiếp cận thị trường, tập trung sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, mở rộng liên kết với các đối tác tiêu thụ sản phẩm cam sành.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang Đồng Mạnh Cường cho biết, các HTX đóng góp rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế hộ và đặc biệt là đối với chương trình nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các HTX đã tham gia trực tiếp, hoặc gián tiếp từ 9 đến 11 tiêu chí, nhất là tham gia xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, bảo vệ môi trường, xóa nghèo, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, tổ nhân dân và phòng, chống tệ nạn xã hội... Điển hình như các HTX: Nông, lâm nghiệp Yên Nguyên; Nông, lâm nghiệp Ỷ La; Dịch vụ vận tải và Vệ sinh môi trường Thanh Bình... HTX sẽ là khởi nguồn cho việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tiến tới việc tổ chức lại sản xuất ở khu vực nông thôn. Khi tổ chức lại sản xuất ở khu vực nông thôn có hiệu quả thì nông thôn mới sẽ có điều kiện để phát triển bền vững. HTX nông nghiệp cũng tham gia đưa những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất kinh tế hộ, giúp những người sản xuất kinh tế hộ nắm được kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.

Tuy nhiên, bên cạnh 29% số HTX nông, lâm nghiệp hoạt động có hiệu quả, vẫn còn hơn 70% số HTX ở mức trung bình, thậm chí là yếu kém và cả không hoạt động. Công tác tổ chức, quản lý, điều hành của hội đồng quản trị trong một số HTX còn hạn chế, chưa năng động, lúng túng trong xây dựng phương án sản xuất, chủ yếu hoạt động trên một số loại hình sản xuất, kinh doanh truyền thống, có nơi còn trông chờ vào những ưu đãi của Nhà nước. Một số HTX tổ chức chuyển đổi theo Luật HTX chưa đúng nội dung theo quy định, chuyển đổi còn mang tính hình thức, chưa huy động được vốn góp của thành viên. Một số tổ hợp tác thành lập với mục đích để thụ hưởng chính sách của Nhà nước, do đó tổ chức thiếu chặt chẽ, tính bền vững thấp, chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

VÌ vậy, để khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Tuyên Quang phát triển hiệu quả, cần từng bước khắc phục hạn chế, yếu kém, đồng thời phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác. Đồng thời, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến ngư và khuyến công nhằm tạo điều kiện cho HTX, tổ hợp tác không ngừng đổi mới hoạt động, tổ chức và xây dựng theo Luật HTX; từng bước khẳng định vai trò, uy tín và hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.