Làm giàu dưới tán rừng

Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng trải rộng trên địa bàn tám xã, thị trấn thuộc huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) với số dân hơn 21 nghìn người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, H’Mông, Dao sinh sống. Ðể giúp người dân vừa bảo vệ rừng, vừa nâng cao thu nhập, thời gian qua Ban quản lý Rừng đặc dụng - phòng hộ tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng mang lại hiệu quả thiết thực.

Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng.
Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng với diện tích rộng gần 20.000 ha, trong đó có di chỉ khảo cổ người tiền sử "Mái đá Ngườm" nổi tiếng, được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Hệ sinh thái rừng núi đá vôi độc đáo, có tính đa dạng sinh học phong phú với nhiều nguồn gien động vật, thực vật quý hiếm cho nên cần được bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, các xã nằm trong khu bảo tồn là những xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thái Nguyên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số cư trú trong vùng lõi và vùng đệm, trình độ dân trí phát triển không đồng đều, đời sống kinh tế khó khăn.

Trước thực tế đó, để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người dân, giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học trong khu bảo tồn, những năm qua, Ban quản lý Rừng đặc dụng - phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã khoán cho người dân quản lý, bảo vệ hơn 14.000 ha rừng với mức bình quân là 300 nghìn đồng/ha/năm. Từ năm 2020, bắt đầu triển khai mô hình trồng cây ba kích, cát sâm, một số loài cây dược liệu khác dưới tán rừng để phát huy tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, tạo sinh kế lâu dài cho người dân địa phương. Ông Nông Văn Nhận, ở xóm Bản Chương, xã Sảng Mộc chia sẻ: "Gia đình tôi sinh sống trong khu bảo tồn nhiều năm nay, kinh tế chủ yếu dựa vào cấy lúa và trồng ngô nương rẫy cho nên thu nhập thấp. Ðược Ban quản lý Rừng đặc dụng - phòng hộ tỉnh Thái Nguyên chọn thực hiện mô hình trồng cây dược liệu, gia đình tôi được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình trồng, quy cách hố, được cấp cây giống và phân bón. Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cho nên cây phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập khá cao". Tương tự một số hộ dân ở các xóm trên địa bàn xã Sảng Mộc tham gia trồng 6 ha cây dược liệu dưới tán rừng, đến nay cây phát triển rất tốt, được đơn vị chuyên môn đánh giá cao, vì đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, hàm lượng dược chất cho nên khi thu hoạch có thể cho thu nhập cao, có thể lên đến vài trăm triệu đồng/ha.

Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng - phòng hộ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Quang Lịch cho biết, Ban quản lý chọn các hộ có khả năng đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, vị trí thuận tiện cho việc tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các vùng lân cận, nhất là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập cho người dân cho nên thời gian tới sẽ phát triển, nhân rộng ra các xã khác. Khi dược liệu được thu hoạch, Ban quản lý sẽ kết nối đơn vị thu mua, công ty dược phẩm hướng dẫn người dân sơ chế, bảo quản và bao tiêu sản phẩm ổn định với giá thành hợp lý, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán để mang lại thu nhập ổn định, thúc đẩy việc trồng, khai thác tiềm năng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là hướng phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng lõi, vùng đệm, góp phần tích cực bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng.