Khởi sắc kinh tế vùng biên Bình Phước

Bình Phước có hơn 260 km đường biên chạy qua 15 xã thuộc ba huyện Lộc Ninh, Bù Ðốp và Bù Gia Mập. Tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp phát triển kinh tế hộ gia đình, tập trung thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn nhằm thông thương hàng hóa. Nhờ đó, kinh tế vùng biên giới Bình Phước có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên.

Giao thông biên giới Bình Phước được kết nối tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.
Giao thông biên giới Bình Phước được kết nối tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Bình Phước được biết đến là vùng đất đỏ ba-dan giàu dinh dưỡng, phù hợp với các loại cây công nghiệp như cao-su, cà-phê, điều và hồ tiêu. Do đó, tỉnh đã xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Ở các huyện Lộc Ninh, Bù Ðốp tập trung trồng hồ tiêu và cao-su, huyện Bù Gia Mập phát triển cây điều, cao-su. Trong những năm gần đây, mặc dù giá các loại nông sản chủ lực của tỉnh đang xuống mức kỷ lục nhưng đời sống nông dân ở các huyện vùng biên vẫn ổn định. Ðó là nhờ vào việc ngoài chuyên canh các loại cây trồng chủ lực, các hộ dân còn xen canh cây ăn trái, rau màu và nuôi thêm dê, bò...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Trần Văn Lộc cho biết: Ðể kinh tế vùng biên giới phát triển ổn định, ngành nông nghiệp Bình Phước đã chủ động khuyến khích các hộ dân có diện tích đất lớn đẩy mạnh chuyên canh các loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Những hộ dân có ít đất thì trồng các loại cây ngắn ngày hay cây ăn trái. Những hộ dân có kỹ thuật canh tác, ngành chủ động xây dựng các mô hình cây trồng "hai tầng", "ba tầng" nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất. Ngoài ra, người dân được hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi sang trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao như: quýt đường, bưởi da xanh, ổi, bơ, dừa, xoài... Nhờ đó, kinh tế hộ gia đình vùng biên giới Bình Phước phát triển khá đa dạng.

Huyện biên giới Bù Ðốp có tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp hơn 4.800 ha, trong đó chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp chủ lực như hồ tiêu, cao-su. Thời gian qua, tình hình sản xuất trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn do khí hậu biến đổi thất thường và giá nông sản bấp bênh. Từ đó, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, lựa chọn các cây trồng có tiềm năng, thế mạnh gắn với thị trường tiêu thụ, như: xoài, dừa, quýt, bưởi da xanh... Ðiển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ ở xã biên giới Thanh Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi gần 4 ha đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm lùn và xoài. "Gia đình tôi có gần 100 cây dừa xiêm lùn, 2.000 gốc xoài cát Hòa Lộc đang cho trái, mỗi năm trừ chi phí cũng thu hơn 200 triệu đồng", ông Kỳ cho biết.

Là vùng chuyên canh hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, từ năm 2013, huyện Lộc Ninh được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm điểm thực hiện mô hình liên kết ba nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà tiêu thụ) nhằm nâng cao giá trị nông sản bền vững cho nông dân. Ðể công tác liên kết đạt hiệu quả, huyện đã thành lập được hàng chục câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững. Cùng với đó, huyện cũng thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, từ đó sâu sát hơn trong chỉ đạo và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã. Nhờ liên kết được hộ dân sản xuất hồ tiêu sạch với đơn vị tiêu thụ đã tránh được tình trạng được mùa mất giá như trước. Từ hiệu quả của các hợp tác xã hồ tiêu, Lộc Ninh thành lập thêm các hợp tác xã chăn nuôi lợn, dê, rau an toàn ở các xã Lộc Hiệp, Lộc Thái và Lộc Khánh. Do vậy, kinh tế hộ gia đình ở địa phương đang chuyển hướng sang kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với phát triển kinh tế hộ gia đình, Bình Phước đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ở vùng biên, nhất là giao thông nông thôn và giao thông kết nối vùng. Từ các huyện biên giới về đến trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước khoảng 120 km nhưng hiện chỉ di chuyển mất khoảng hai giờ. Ðó là nhờ hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ để thông thương hàng hóa ở vùng biên. Các tuyến đường về trung tâm ba huyện biên giới được thảm nhựa thông suốt với hai làn xe ô-tô; từ trung tâm huyện về các xã được nhựa hóa; từ các xã về thôn, ấp được rải nhựa hoặc bê-tông. Năm 2019, Bình Phước đã triển khai kế hoạch xây dựng 1.000 km đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung các nguồn lực để xây dựng các xã trên tuyến biên giới đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Huyện biên giới Bù Ðốp có sáu xã, một thị trấn thì có bốn đơn vị đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; huyện Lộc Ninh có sáu xã hoàn thành chương trình NTM; huyện Bù Gia Mập có bốn xã cán đích NTM.

Mặc dù là một trong những huyện biên giới khó khăn nhất của Bình Phước, tuy nhiên, Bù Gia Mập luôn dành sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục. Do đó, từ nhiều năm qua, trên địa bàn huyện không còn phòng học tạm, mượn, trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Ðến nay, huyện đã xây dựng được khoảng 40 trường học, trong đó đến cuối năm học 2018-2019 có năm trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Bù Gia Mập Ðặng Hữu Khoái cho biết: Năm học 2019-2020, huyện dự kiến có 632 lớp với 18.031 học sinh, tăng 769 em so với năm học trước. Ðể chuẩn bị tốt cho năm học mới, huyện đầu tư xây dựng thêm 50 phòng học với tổng kinh phí 25 tỷ đồng; sửa chữa khoảng tám tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị, bàn ghế khoảng 15 tỷ đồng. Vừa qua, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Bình Phước hỗ trợ 19,9 tỷ đồng để xây dựng thêm ngôi trường khang trang tại trung tâm huyện.

Tỉnh Bình Phước đã xây dựng các dự án công nghiệp lớn, như: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; Dự án điện mặt trời trên vùng đất nông nghiệp kém hiệu quả và Khu du lịch di tích, tâm linh, sinh thái Tà Thiết. Những dự án này được kỳ vọng là cú huých phát triển kinh tế vùng biên giới Bình Phước nói riêng. Dự kiến khi đi vào hoạt động, các dự án này sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động địa phương.