Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía bắc

(Tiếp theo kỳ trước) (*)

Bài 2 "Ðòn bẩy" cho sản xuất nông nghiệp bền vững

Giới thiệu thương hiệu nhãn của tỉnh Sơn La tại Ngày hội nhãn Sông Mã năm 2020.
Giới thiệu thương hiệu nhãn của tỉnh Sơn La tại Ngày hội nhãn Sông Mã năm 2020.

Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi như "đòn bẩy" quan trọng, thúc đẩy việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN). Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng khoa học và công nghệ (KHCN), sẽ giúp năng suất, sản lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế được nâng cao. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng KHCN, góp phần vào cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm của địa phương, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, rất cần sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) với bà con nông dân...

Liên kết để tạo sức bật nhanh và bền vững

Hai năm trở lại đây, bà con người Dao ở bản Lèng Xuôi Chin, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã có sự thay đổi lớn trong nếp nghĩ, cách làm, từ chỗ bỏ đất hoang, nay người dân đã biết liên kết với doanh nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu mía. Chị Phàn Thị Thương, người dân trong bản cho biết: "Năm trước thấy doanh nghiệp về vận động trồng mía, tôi đắn đo vì đất thiếu nước, bạc màu; họ động viên mãi mình mới trồng thử 2.000 m2. Quá trình trồng, doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ giống, công làm đất và phân bón; rồi cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc theo quy trình. Mình chỉ làm theo, cuối năm thu bán cho họ cũng được hơn hai chục triệu đồng, so với trồng sắn hoặc để đất hoang thì trồng mía thu được nhiều tiền hơn. Năm nay nhà tôi mở rộng trồng thêm 6.000 m2, mặc dù trồng mới nhưng doanh nghiệp không cần phải hướng dẫn cách trồng, chăm sóc nữa". Chị Thương hy vọng cuối năm sẽ có một khoản kha khá để chi tiêu, ổn định cuộc sống. Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Lai Châu, đơn vị trực tiếp liên kết với người dân phát triển vùng nguyên liệu mía, việc liên kết và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ đầu ra ổn định với bà con cũng gặp nhiều khó khăn, do ở đây địa hình dốc, đất bạc màu cho nên HTX phải tính toán phương án chống rửa trôi, giữ nước tốt nhất, chọn giống phù hợp nhất… để quá trình canh tác đạt hiệu quả cao nhất. Quá trình này dần được chuyển giao cho người dân để họ tự thâm canh nâng cao năng suất, sản lượng vườn nguyên liệu của mình. "Xác định cây mía là cây trồng mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, huyện đã hỗ trợ về mặt cơ chế, thủ tục hành chính và giám sát việc thực hiện hợp đồng liên kết giữa hai bên", Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Phong Thổ, Vũ Hữu Lưỡng cho biết. Minh chứng cho việc doanh nghiệp và người dân trực tiếp liên kết sản xuất phù hợp mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao chính là diện tích đất của bà con bản Lèng Xuôi Chin trước đây bỏ hoang, giờ đã cho thu nhập; diện tích cây mía ở đây cũng được người dân và doanh nghiệp phát triển mở rộng tới khoảng 130 ha.

Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía bắc -0
Bà con dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu) tập trung phát triển cây mắc ca. 

Tuy khó khăn về kinh phí, song những năm qua, tỉnh Ðiện Biên vẫn chỉ đạo ưu tiên dành nguồn hỗ trợ các dự án, mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và giữ gìn thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Ðiện Biên. Trong giai đoạn 2018 - 2020, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, các huyện của tỉnh Ðiện Biên đã xây dựng, phê duyệt 154 dự án liên kết, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 81 tỷ đồng. Trong số đó, lĩnh vực trồng trọt có các dự án về cây ăn quả, gồm: bưởi, xoài, nhãn, mít, chanh leo…, các dự án lúa gạo, rau màu, chè; các dự án chăn nuôi thủy sản, bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây dược liệu (sa nhân tím và sả), cây mắc-ca. Hiệu quả kinh tế rõ rệt của các dự án hợp tác, liên kết là chi phí sản xuất giảm từ 10 đến 15%; sản lượng tăng thêm từ 15 đến 25%, lãi tăng thêm từ 4,5 triệu đến 5,5 triệu đồng/1.000 m2/vụ. Tham gia các mô hình liên kết, nông dân giảm được ngày công lao động, giảm chi phí đầu tư mà trình độ sản xuất lại được nâng lên do được tham gia các buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm và được làm việc bằng máy móc vì tất cả các khâu đều cơ giới hóa.

Thành công của việc nhân rộng mô hình trồng một số giống cây ăn quả như xoài, nhãn có giá trị, thay thế cây trồng truyền thống kém hiệu quả tại vùng cao, vùng khó khăn được khẳng định bằng kết quả triển khai trồng thử nghiệm tại vùng cao các huyện Mộc Châu, Yên Châu và Thuận Châu (Sơn La). Nhờ ứng dụng các tiến bộ KHCN, trong 5 năm qua, Sơn La đã đưa khoảng 20 giống cây ăn quả có chất lượng cao, phù hợp điều kiện tự nhiên, chống chịu sâu bệnh vào trồng thay giống cũ. Từ hơn 10 năm trước, Sơn La đã thành lập Khu ứng dụng khoa học - công nghệ cao Mộc Châu, với diện tích ban đầu 200 ha, đến nay toàn tỉnh có 301 doanh nghiệp, HTX trồng cây ăn quả thực hiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, KHCN, tăng 265 doanh nghiệp, HTX so với năm 2016. Toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp KHCN liên quan đến sản xuất giống cây trồng, chế biến sản phẩm quả. 25 sản phẩm OCOP của Sơn La là những sản phẩm có giá trị ứng dụng KHCN trong sản xuất và chế biến. Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Hồng Công Mộc Châu, có trụ sở tại xã Ðông Sang, huyện Mộc Châu, doanh nghiệp cung cấp cây bơ giống đầu dòng nhân rộng ra toàn tỉnh, đã liên kết với bà con trồng được hơn 50 ha bơ giống mới. Giám đốc Công ty Cao Văn Công chia sẻ: Giống bơ thường bán trên thị trường có vỏ mỏng, bóng, giá chỉ khoảng 30 nghìn đồng/kg, còn bơ Booth "ông Công" quả to, vỏ dày, sần, hạt nhỏ, có mầu xanh vàng bắt mắt, giá bán từ 70 nghìn đến 100 nghìn đồng/kg. Theo tính toán, một héc-ta trồng bơ Booth sau ba năm sẽ cho thu hoạch hơn một tỷ đồng. Ðây là điển hình của mô hình hộ gia đình đồng bào các DTTS góp đất, liên kết cùng doanh nghiệp, thu nhập vài trăm triệu đồng/năm là chuyện trong tầm tay. Khi áp dụng công nghệ giống, thay đổi nhận thức và quy trình sản xuất, mỗi héc-ta đất nông nghiệp ở Sơn La cho thu nhập bình quân 44 triệu đồng, có thể giúp tăng thu nhập lên hàng chục lần.

Ðánh giá các mô hình liên kết giữa đơn vị sản xuất với nông dân và nhà phân phối, Giám đốc Sở NN và PTNT Ðiện Biên Bùi Minh Hải cho rằng, các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm từ năm 2018 đến nay cơ bản bảo đảm mục tiêu thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (vùng cây ăn quả tại các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên; sản xuất lúa chất lượng cao huyện Ðiện Biên, nuôi cá rô phi thương phẩm ở khu vực lòng chảo Ðiện Biên…). Báo cáo tổng kết chung Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 - 2020 khẳng định, các dự án có mô hình liên kết thường sẽ có ưu thế hơn so với dự án khác, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất. Chính vì vậy, việc ưu tiên hỗ trợ các dự án xây dựng mô hình liên kết là chủ trương đúng đắn và đã được phê duyệt tại Quyết định 1747/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là "tăng tỷ lệ các mô hình liên kết ứng dụng KHCN theo chuỗi giá trị hàng hóa, các mô hình có quy mô sản xuất lớn, quy mô công nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến".

Dấu ấn của khoa học và công nghệ

Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía bắc -0
Mô hình trồng bí xanh thơm ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

Khi đánh giá về kết quả phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La, tại Hội nghị "Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021 - 2025", Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ví dấu ấn trong sản xuất nông nghiệp chính là "hiện tượng" Sơn La. Ðể có được kết quả đó, cách đây 10 năm, tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 13 (2015 - 2020), tỉnh đã chọn ứng dụng KHCN cao nhằm chuyển đổi sản xuất nông nghiệp là một trong ba khâu đột phá. Ðiều kiện cần lúc đó là Sơn La phải thay đổi trong tư duy lãnh đạo, có kiến thức thị trường, đi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Từ thực tiễn, năm 2015, tỉnh Sơn La đã thông qua đề án "Phát triển cây ăn quả trên đất dốc". Một chính sách được ví như "ngòi nổ" khi đó là tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình 200 nghìn đồng để ghép mắt, cải tạo vườn tạp, có 78.982 hộ gia đình tham gia chương trình cải tạo vườn cây ăn quả. Chính sách có tính chất "mồi" này đã giúp các hộ gia đình nắm vững kỹ thuật lai ghép, phân biệt các loại giống, hiểu quy trình sản xuất sạch, hữu cơ… Ðến nay, Sơn La hình thành được các vùng cây ăn quả tập trung tăng từ 23.600 ha năm 2015 lên 78.850 ha, sản lượng đạt 336.000 tấn quả.

Tại Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả của tỉnh tổ chức giữa tháng 3 vừa qua, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất nói: "Ban đầu cũng loay hoay lắm! Sơn La đã xác định cây, con chủ lực, rồi cây mũi nhọn, cấp ủy, chính quyền cũng vào cuộc quyết liệt, nhưng kết quả không được như ý. Khi Ban Thường vụ bàn, thảo luận mới phát hiện bấy lâu mình vẫn nói đến sản xuất thị trường, nhưng chưa thực hiện theo quy luật cung cầu, chưa quan tâm đến tiêu thụ, mẫu mã, chất lượng. Nói đến ứng dụng công nghệ cao, nhưng những vấn đề cụ thể giúp người nông dân nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm thì lại không rõ…". So với 5 năm trước, bây giờ vào trong dân, đến bất cứ vùng nào, hỏi họ cách ghép cải tạo (ghép mắt các giống mới vào cây địa phương trồng trước đây), hỏi về giống, ai cũng thành thạo. Nông dân Sơn La, nhất là các chủ hộ, HTX đều có kiến thức nền nhanh nhạy không kém gì các kỹ thuật viên khuyến nông. Theo Giám đốc Sở KHCN Sơn La Lưu Bình Khiêm, công nghệ ghép chuyển đổi giống, công nghệ sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai trong dự án "Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Sông Mã" với quy mô ban đầu bốn héc-ta, đến nay đã mở rộng được hơn bảy nghìn héc-ta tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu và TP Sơn La. Hiện nay, sản phẩm nhãn Sông Mã đã được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận và được cấp mã vùng xuất khẩu. Vụ nhãn năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tỉnh Sơn La vẫn xuất khẩu 7.475 tấn sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc)… Việc nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả có giá trị thay thế cây trồng truyền thống kém hiệu quả tại vùng cao, vùng khó khăn cho thấy, Sơn La thật sự là địa phương tiêu biểu cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từ đất kém hiệu quả, trở thành vùng cây ăn quả trù phú.

Ý thức tầm quan trọng của KHCN đối với sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Ðiện Biên dành sự ưu tiên cho công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Theo Giám đốc Sở KHCN Ðiện Biên Nguyễn Ðức Hạnh, ngoài các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi và Chương trình Bảo tồn và Sử dụng bền vững nguồn gien, thời gian qua, Ðiện Biên đã triển khai 160 đề tài, dự án khoa học; trong đó có 96 đề tài thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm 60%) đem lại hiệu quả rõ rệt. Ðến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở Ðiện Biên đạt 19,5 triệu đồng/người/năm (tăng một triệu đồng so với năm 2019); toàn tỉnh có 24 trong số 115 xã đạt tiêu chí về thu nhập (chiếm 20,86%); tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm xuống còn hơn 37%. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðiện Biên Lò Văn Tiến cho biết: "Nhờ nghiên cứu, phát triển KHCN đã giúp cho tỉnh tìm ra đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, điển hình là dự án nghiên cứu, di nhập đối tượng thủy sản nước lạnh (cá tầm, cá hồi) thí điểm thành công đã giúp đa dạng đối tượng nuôi và khai thác tiềm năng nguồn nước lạnh sẵn có của địa phương; ứng dụng KHCN trong gieo ươm cây giống, trồng xây dựng vùng sản xuất dược liệu, như: đương quy, bạch chỉ, sâm ngọc linh…".

Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, từ kinh nghiệm triển khai dự án tại các địa phương, nhất là các địa phương vùng DTTS và MN, mặc dù các dự án tập trung gắn với ưu tiên phát triển của địa phương, song yếu tố quan trọng quyết định thành công của dự án chính là từ phía địa phương. Cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương chính là "đòn bẩy" mở hướng nhân rộng các ứng dụng tiến bộ KHCN hiệu quả vào cuộc sống...

(Còn nữa)

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 31-3-2021.

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng KHCN tại các địa phương, phải xác định rõ vai trò của từng chủ thể. Nhà khoa học cần chủ động chuyển giao công nghệ mới cho nông dân, doanh nghiệp thúc đẩy thành công việc ứng dụng KHCN. Vai trò của nhà khoa học là lựa chọn các giải pháp kỹ thuật tốt, phương pháp chuyển giao phù hợp, còn doanh nghiệp là người tiếp nhận chuyển giao, có cam kết đầu tư cho người dân, tiếp nhận đầu vào, bảo đảm đầu ra. Nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng KHCN, tuyên truyền, nhân rộng để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa là của chính quyền địa phương. Ðịa phương chính là cầu nối, tạo động lực thúc đẩy các nhà khoa học và các doanh nghiệp nhanh chóng đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

GS,TS Nguyễn Hồng Sơn

Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam