Hiệu quả từ mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

Cùng với việc tập trung bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia bảo tồn, phát triển cây dược liệu trồng dưới tán rừng. Bước đầu không chỉ tạo nguồn dược liệu quý cho thị trường mà còn góp phần bảo vệ rừng, giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Kiểm tra kỹ thuật ươm cây giống dược liệu tại xã Trà Nam, huyện Nam Trà My (Quảng Nam).
Kiểm tra kỹ thuật ươm cây giống dược liệu tại xã Trà Nam, huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Tỉnh Quảng Nam có chủng loại cây dược liệu khá phong phú, đa dạng. Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 830 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó, có nhiều loài quý như: Sâm Ngọc Linh, quế, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, hoàng đắng, ngọc cẩu, lan kim tuyến, chè dây, ngũ vị tử… chủ yếu tập trung ở khu vực vùng núi cao. Trong quá trình bảo tồn, phát triển dược liệu, Quảng Nam đặc biệt chú trọng cây sâm Ngọc Linh. Vào năm 2015, UBND tỉnh đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam” đến năm 2030, với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Theo đề án này, vùng quy hoạch sâm Ngọc Linh thuộc địa bàn bảy xã của huyện Nam Trà My, với diện tích quy hoạch lên đến 15.568 ha, trong đó, phấn đấu đến năm 2020, diện tích bảo tồn nguồn giống và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt hơn 665 ha và hơn 15.000 ha vào năm 2030. Đến nay, số hộ trồng sâm tăng đến hơn 1.500 hộ tại bảy xã, với diện tích đăng ký hơn 2.000 ha. Hiện có bảy doanh nghiệp đăng ký đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại địa bàn Nam Trà My, với tổng diện tích khoảng 100 ha. Tại xã Trà Linh có nhiều hộ trồng đến 10 nghìn cây sâm như gia đình các ông: Hồ Văn Du, Hồ Văn Lượng, Hồ Văn Hinh... Từ trồng cây sâm Ngọc Linh và dược liệu mà cuộc sống người dân ở huyện Nam Trà My được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Đến nay, Quảng Nam đã phê duyệt quy hoạch sâm Ngọc Linh, quế Trà My và chín loài dược liệu quý khác. Đáng chú ý, tỉnh ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu và một số quy định về cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh; cùng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020, với tổng nguồn vốn gần 40 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Võ Hồng cho biết, chính sách nêu trên nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu, sử dụng hiệu quả cây dược liệu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tập trung bảo tồn chủ động để bảo vệ nguồn gien, sản xuất cây giống và phát triển các loại cây: Ba kích tím, đảng sâm, sa nhân tím; đồng thời khuyến khích đầu tư và hỗ trợ phát triển một số loài dược liệu khác có giá trị cao, xây dựng các cơ sở sản xuất giống dược liệu chất lượng tốt, phục vụ sản xuất. Tạo việc làm cho người dân thông qua việc nhận khoán phát triển, quản lý và bảo vệ rừng; góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Để khuyến khích người dân trồng dược liệu dưới tán rừng và trên đất trống, nương rẫy, các hộ, nhóm hộ gia đình được ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để mua giống cây dược liệu với mức 80% giá cây giống. Ngoài ra, các đối tượng tham gia phát triển cây dược liệu được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển và được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng… theo quy định hiện hành của Nhà nước. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ngô Tấn cho biết, từ năm 2016 đến 2018, UBND tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí gần 30 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục bảo tồn và phát triển ba cây dược liệu (gồm: Đảng sâm, sa nhân tím, ba kích tím) tại các huyện miền núi. Sau khi tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ giống dược liệu, trong ba năm qua, các địa phương này đã trồng mới hơn 430 ha dược liệu dưới tán rừng. Trong năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục phân bổ 5,7 tỷ đồng để tiếp tục triển khai trồng mới thêm khoảng hơn 242 ha dược liệu. Được biết, ngoài nguồn ngân sách tỉnh phân bổ, từ năm 2016 đến nay, các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn và Tiên Phước còn hỗ trợ thêm giống dược liệu cho người dân với số tiền gần 12 tỷ đồng.

Có thể nói rằng, nếu như Nam Trà My là xứ sở của sâm Ngọc Linh thì huyện Tây Giang là trung tâm của cây ba kích tím với diện tích hơn 350 ha, riêng xã Lăng đã có 200 ha. Nhờ trồng cây ba kích mà hiện nay, bộ mặt nông thôn ở xã Lăng đã thay đổi. Trên địa bàn xã hình thành nhiều tổ hợp tác ươm giống cây ba kích cung cấp cho người dân trên địa bàn huyện và vùng lân cận. Trong những năm qua, huyện Tây Giang hỗ trợ hàng trăm nghìn cây giống ba kích và đảng sâm cho người dân ở địa phương. Chủ tịch UBND xã Ch’ơm Hồ Đắc Vinh cho biết, với hơn 130 ha đảng sâm hiện có, mỗi năm, bà con thu được khoảng 4 tấn dược liệu. Nhờ đó, cuộc sống người dân được cải thiện và thoát khỏi diện hộ nghèo; thậm chí thu được hàng chục triệu đồng/năm như gia đình các ông: Bling Bríu, Pơloong Ahêêm, Tangôn Lực, C’lâu Hăl…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là phương án giúp bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả. Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương nằm trong vùng dược liệu cần chủ động xây dựng, phát triển và bảo hộ cho sản phẩm thương hiệu, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn làm ảnh hưởng thương hiệu dược liệu, nhất là đối với sâm Ngọc Linh. Mặt khác, tỉnh sẽ tập trung phát triển theo chuỗi giá trị từ giống, vùng nguyên liệu, gắn với nhà máy sơ chế và xây dựng nhà máy chế biến sâu ở những vùng có điều kiện, nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng từ sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác để phục vụ nhu cầu tiêu dùng; đồng thời bảo đảm quyền lợi, thu nhập của người dân và doanh nghiệp.