Hiệu quả từ giao khoán bảo vệ rừng ở Bình Phước

Trong những năm qua, công tác giao khoán là một trong những giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả tại tỉnh Bình Phước. Lợi ích kép của việc giao khoán rừng cho cộng đồng dân cư sống gần rừng là không những rừng được giữ vững mà còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ Bù Đăng đi tuần tra.
Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ Bù Đăng đi tuần tra.

BÌNH PHƯỚC hiện có tổng diện tích đất quy hoạch ba loại rừng là 173 nghìn héc-ta, chiếm 25,16% tổng diện tích của tỉnh. Tỷ lệ che phủ của rừng trên toàn tỉnh hiện nay khoảng 23%, trong đó rừng đặc dụng hơn 31 nghìn héc-ta, rừng phòng hộ hơn bốn nghìn héc-ta; rừng sản xuất gần 99 nghìn héc-ta. Ngoài ra có 1.366 héc-ta là diện tích rừng ngoài quy hoạch ba loại rừng. Để nâng cao công tác bảo vệ rừng, hằng năm, UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt chỉ tiêu, kế hoạch giao khoán bảo vệ rừng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh cho biết: UBND tỉnh đều phê duyệt giao khoán bảo vệ rừng cho các nhóm, tổ cộng đồng sống gần bìa rừng, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. UBND tỉnh chỉ đạo các chủ rừng phải giám sát chặt chẽ, có giải pháp hỗ trợ các tổ, nhóm cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Năm 2020, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt kế hoạch giao khoán bảo vệ rừng hơn 35.561 héc-ta, trong đó rừng đặc dụng gần 20 nghìn héc-ta, rừng phòng hộ hơn tám nghìn héc-ta…

Vườn quốc gia Bù Gia Mập (VQG Bù Gia Mập) là rừng đặc dụng lớn nhất của tỉnh Bình Phước với diện tích hơn 25,6 nghìn héc-ta. Theo Giám đốc VQG Bù Gia Mập Vương Đức Hòa, hiện có 10 cộng đồng nhận khoán với hơn 620 người, trong đó hơn 95% là người dân tộc XTiêng, MNông ở hai xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) nhận quản lý bảo vệ 19 nghìn héc-ta rừng và sáu đồn biên phòng nhận quản lý bảo vệ số rừng còn lại. Các đơn vị, cộng đồng đã thực hiện nghiêm theo các điều khoản ký trong hợp đồng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các hộ nhận khoán phối hợp nhịp nhàng với Ban quản lý VQG Bù Gia Mập, các trạm kiểm lâm và cắt cử người thường trực liên tục 24 giờ trong ngày tại các vị trí nhận khoán. Nhờ đó, toàn lâm phần không để xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy, không bị cháy rừng… Những đối tượng vào rừng đặt bẫy thú rừng trái phép đều bị các đơn vị, tổ nhận khoán phát hiện, bắt giữ và bàn giao cho hạt kiểm lâm xử lý theo quy định của pháp luật. Mỗi quý một lần, Ban quản lý VQG Bù Gia Mập tổ chức nghiệm thu công tác khoán bảo vệ rừng và thanh toán tiền cho các đơn vị nhận khoán theo đúng quy định.

Gia đình anh Điểu Ganh ở thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, trước đây trong diện hộ nghèo của xã, anh đã xin vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ VQG Bù Gia Mập. Nhờ có thêm nguồn thu từ bảo vệ rừng, cộng với các nguồn hỗ trợ khác, ba năm sau, gia đình anh Điểu Ganh đã thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định. Anh Điểu Ganh chia sẻ: “Tham gia cộng đồng giữ rừng, ngoài tiền bảo vệ rừng, người dân còn được hưởng nhiều lợi ích khác từ rừng và được Ban quản lý VQG Bù Gia Mập hỗ trợ sửa chữa đường, làm đường điện chiếu sáng, xây sân nhà văn hóa…”.

Rừng phòng hộ Bù Đăng có diện tích hơn 40 nghìn héc-ta, nằm tiếp giáp với nhiều địa bàn dân cư, có nhiều đường dân sinh qua lại cho nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng Lê Hùng cho biết: Với đặc điểm rừng lồ ô, lồ ô xen gỗ, có thảm thực vật dày, lại nằm xen kẽ với các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt, vườn rẫy của người dân nên công tác bảo vệ rừng hết sức khó khăn, nhất là vào mùa khô. Nhờ chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư sống gần rừng mà công tác bảo vệ rừng trong thời gian qua được bảo đảm. Trong cao điểm mùa khô năm nay, công tác phòng, chống cháy rừng “bốn tại chỗ” trong các cộng đồng nhận khoán đạt hiệu quả cao.

Theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, vào cao điểm mùa khô năm nay, nhiều diện tích rừng phòng hộ Bù Đăng ở xã Đồng Nai liên tiếp xảy ra cháy với hàng chục điểm lớn nhỏ khác nhau. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận nhiều điểm cháy nhỏ nằm cách nhau không cố định chạy dọc theo các đường mòn nhỏ trong rừng và ngoài bìa rừng. Các điểm cháy chỉ cháy phần thực bì khô, trung bình mỗi điểm cháy khoảng từ 5 đến 7 m2 hoặc 40 đến 50 m2, không ảnh hưởng đến cây gỗ. Nhờ các tổ cộng đồng nhận khoán làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô nên khi phát hiện cháy đã huy động lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời. Anh Điểu Thâm, Tổ trưởng tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ Bù Đăng tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng cho biết: Vào mùa khô, chúng tôi cắt cử lực lượng tuần tra liên tục 24 giờ trong ngày tại những điểm dễ xảy ra cháy, đồng thời lực lượng ở nhà luôn sẵn sàng ứng cứu. Do đó, nhận được tin xảy ra cháy rừng, các hộ nhận khoán với phương tiện, dụng cụ chữa cháy cơ động đến hiện trường khống chế ngọn lửa.

Việc giao khoán bảo vệ rừng cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống gần bìa rừng đã góp phần làm giảm tình trạng săn, bẫy thú rừng; thu hái lâm sản ngoài gỗ trong rừng; phá rừng trái pháp luật và lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp; tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái phép, đồng thời công tác phòng, chống cháy rừng ngày càng hiệu quả hơn… Hiệu quả từ công tác này đã thấy rõ. Tuy nhiên, cuộc sống của những người giữ rừng còn nhiều khó khăn do nguồn thu từ việc nhận khoán bảo vệ rừng chưa trở thành nguồn thu nhập chính. Do đó, cần thêm những chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao nguồn thu nhập, để họ toàn tâm, toàn ý bảo vệ rừng.

Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của tỉnh phân bố trên ba lưu vực lớn là sông Bé, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

Hiện nay, các chủ rừng ở Bình Phước đủ điều kiện được trả tiền dịch vụ môi trường rừng, gồm: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Cát Tiên, Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Gia Phúc, Hạt Kiểm lâm thị xã Phước Long, các Công ty TNHH một thành viên: Cao-su Sông Bé, cao-su Phước Long, cao-su Bình Phước, cao-su Phú Riềng và Trung tâm Ứng dụng khoa học lâm nghiệp Nam Bộ… Các đơn vị phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng, gồm: Cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất nước sạch và tổ chức kinh doanh du lịch. Tổng tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2013 - 2019 của Bình Phước thu được là hơn 153,8 tỷ đồng và đã chi cho người bảo vệ rừng là 110,8 tỷ đồng.