Hiệu quả từ các hồ thủy lợi ở An Giang

Những năm gần đây, các hồ thủy lợi thuộc hai huyện vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) trở thành nguồn cung cấp nước quanh năm cho người dân. Bà con không còn lo thiếu nước tưới cho cây trồng, hoa màu hay nước sinh hoạt như trước đây. Ðây là hiệu quả của chương trình đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Nhờ có các hồ thủy lợi, nông dân vùng núi Tri Tôn đã chủ động được nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp.
Nhờ có các hồ thủy lợi, nông dân vùng núi Tri Tôn đã chủ động được nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp.

Chủ động nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt

Tịnh Biên và Tri Tôn trong vùng Bảy Núi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Tuy nhiên, do vùng bán sơn địa, nhiều đồi, núi cao cho nên việc sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn về nước tưới. Ðể cải thiện cuộc sống người dân, UBND tỉnh An Giang đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết thủy lợi vùng Bảy Núi tại Quyết định số 539/QÐ-UBND với mục tiêu đánh giá tổng thể nguồn tài nguyên nước mặt, nước ngầm… để ổn định sản xuất, nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện BÐKH toàn cầu.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện toàn huyện Tri Tôn có bốn hồ chứa nước đã đưa vào hoạt động, trong đó có ba hồ chứa nước lớn do Trung ương đầu tư xây dựng trong chương trình ứng phó với BÐKH gồm: hồ Soài So và hồ Soài Check (xã Núi Tô), hồ Ô Thum (xã Ô Lâm), hồ Ô Tà Sóc (xã Lương Phi). Các hồ thủy lợi nhân tạo này có khả năng phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp. Còn ở huyện Tịnh Biên có hai hồ lớn là hồ Thủy Liêm và hồ Thanh Long trên núi Cấm, xã An Hảo có tác dụng cung cấp nước sinh hoạt, phòng, chống cháy rừng. Ðến nay các hồ chứa nước trên vùng cao giúp nông dân chuyển từ sản xuất một vụ năng suất thấp sang sản xuất hai đến ba vụ /năm, cho năng suất cao hơn. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer từng bước được nâng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Theo UBND huyện Tri Tôn, hồ Soài Check với dung tích chứa 293.000 m3 sau khi đưa vào vận hành vào tháng 6-2016 trở thành điểm cung cấp nước cho 140 ha đất nông nghiệp sau hồ của đồng bào xã Núi Tô. Nhờ nguồn nước từ hồ Soài Check, bà con Khmer trong vùng canh tác ít nhất ba vụ/năm gồm hai vụ lúa và một vụ màu, đồng thời còn phát triển được cây ăn quả, cây lâu năm. Ông Chau Ki, nông dân ở xã Núi Tô cho biết, đất núi vào mùa khô thiếu nước tưới cho nên như bao nông dân khác, ông phải vất vả tìm cách trữ nước để tưới. Từ khi hồ Soài Chek đưa vào sử dụng có nguồn nước quanh năm, ông chủ động được nguồn nước tưới nhờ đó mà năng suất cây trồng tăng cao, kinh tế gia đình cũng được cải thiện đáng kể.

Hồ Ô Tà Sóc có dung tích 620.000 m3, phục vụ tưới tiêu cho 150 ha ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn đã giúp người dân nơi đây an tâm sản xuất. Hồ Ô Thum chứa 270.000 m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho 200 ha, là niềm vui của đồng bào xã Ô Lâm, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất huyện Tri Tôn. Anh Chau Út, làm nghề nông ở ấp Phước Bình, xã Ô Lâm chia sẻ: "Những năm trước, bà con làm nông nghiệp cực lắm bởi vào mùa khô thiếu nước tưới nên có làm cũng không hiệu quả. Từ khi có hồ chứa nước Ô Thum, nguồn nước tích trữ từ hồ đã cung cấp nước tưới quanh năm, việc trồng hoa màu, cây ăn trái, cây lúa bớt khó khăn hơn". Hiện có hơn 100 hộ dân tộc Khmer nghèo được hưởng lợi trực tiếp từ hồ Ô Thum.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo dự báo, trong tương lai, BÐKH sẽ làm môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long thay đổi, hạn hán xuất hiện nhiều hơn. Trong đó Tri Tôn, Tịnh Biên sẽ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ðể ứng phó với vấn đề BÐKH, tỉnh An Giang đã thực hiện đầu tư dự án "Xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng với BÐKH nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi". Theo đó, từ năm 2018 đến năm 2020, tỉnh xây dựng thêm năm hồ thủy lợi và ba trạm bơm điện tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với tổng diện tích 134,22 ha có tổng kinh phí hơn 360 tỷ đồng. Công trình bảo đảm mức tưới là 75%; mức bảo đảm tiêu là 90%. Mục đích các công trình trên nhằm tăng cường khả năng tích trữ và điều tiết nước, chủ động tưới tiêu, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy rừng vào mùa khô, cắt lũ núi trong mùa mưa; thực hiện dự án đa mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với BÐKH, xây dựng, nâng cấp các trạm bơm tưới, hệ thống đê bao ngăn lũ bảo vệ diện tích đất nông nghiệp, gắn với phát triển giao thông nông thôn nhằm phát huy hiệu quả đồng bộ của dự án.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống thủy lợi vùng cao sẽ tăng cường việc tích trữ và điều tiết nước ngọt, chủ động tưới tiêu thông qua việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các hồ chứa. Việc giữ được nguồn nước sẽ cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ phòng, chống cháy rừng hơn 1.200 ha; sản xuất nông nghiệp trong mùa khô và điều tiết lũ trong mùa mưa thuận lợi hơn. Việc đầu tư hệ thống thủy lợi vùng cao rất tốn kém nhưng về lâu dài đáp ứng nhu cầu nước tưới, nước sinh hoạt cho 80 nghìn hộ dân vùng núi. Khi chủ động nguồn nước, nông dân an tâm sản xuất, từ đó, sẽ nâng cao thu nhập. Theo tính toán, khi hoàn thành, hệ thống thủy lợi vùng cao sẽ chủ động cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 4.500 ha cây trồng các loại và cho chăn nuôi thuộc các xã trong vùng núi đồi.

Việc hoàn thiện các công trình thủy lợi vùng núi còn giúp tỉnh chủ động kiểm soát, bảo đảm cung cấp đủ nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn cũng như sắp xếp, bố trí lại dân cư nhằm ứng phó BÐKH trong tương lai.