Giúp đồng bào Khmer giảm nghèo

Bạc Liêu hiện có gần 16 nghìn hộ với gần 70 nghìn nhân khẩu là người Khmer, chiếm gần 8% số dân toàn tỉnh. Thực hiện chính sách của Ðảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trong những năm qua có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn còn không ít hộ nghèo, trong đó số hộ nghèo đồng bào Khmer chiếm số đông. Vì vậy, giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào Khmer là vấn đề được tỉnh rất quan tâm.

Người dân Khmer ở ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) thu hoạch hoa màu.
Người dân Khmer ở ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) thu hoạch hoa màu.

Theo số liệu từ Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, chỉ tính từ năm 2011 đến nay, thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, tỉnh đã được Trung ương đầu tư hơn 113 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn này, tỉnh đã đầu tư các dự án hỗ trợ sản xuất, tập trung đầu tư cho vay phát triển sản xuất, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, đỡ đầu hộ nghèo, giải quyết việc làm…, góp phần giúp đồng bào Khmer trong tỉnh phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp được duy trì là phân công các đơn vị, ban, ngành tỉnh, huyện, xã đỡ đầu hộ nghèo ở cơ sở. Theo đó, Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Bạc Liêu phân công 71 đơn vị, ban, ngành cấp tỉnh nhận giúp đỡ 494 hộ nghèo; các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp nhận giúp đỡ 3.570 hộ nghèo, trong đó rất quan tâm đến những hộ Khmer nghèo.

Ðối với những hộ Khmer nghèo, cán bộ, đảng viên ở cơ sở, nhất là xã, ấp đã bằng những việc làm cụ thể, thiết thực “cầm tay chỉ việc”, không chỉ giúp người dân vay vốn sản xuất mà còn hướng dẫn đến từng hộ cách thức làm ăn, tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để thoát nghèo bền vững. Mặt khác, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể gồm: Ban Dân tộc và Tôn giáo, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên từ tỉnh đến các huyện đã đi sâu tuyên truyền, vận động những hộ nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương mà tự lực vươn lên trong lao động sản xuất.

Mới đây, chúng tôi có dịp trở lại xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, một xã có 70% số dân là người Khmer, là xã có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh. Ðời sống người dân trong xã được nâng lên rất nhiều. Trường học được xây dựng khang trang; lưới điện được kéo đến mọi nhà; đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, được bê-tông hóa giúp người dân đi lại và giao thương hàng hóa. Ngoài ra, người dân được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Hội Thạch Phil phấn khởi cho biết: “Nhờ các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, hỗ trợ đồng bào bằng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực. Bên cạnh đó là sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân trong xã, nhờ vậy mà số hộ nghèo đã giảm dần, số hộ khá tăng lên”.

Theo số liệu từ UBND tỉnh Bạc Liêu, thực hiện chủ trương của Ðảng và các quyết định của Chính phủ về việc ưu tiên đầu tư vốn cho đồng bào các dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, giúp gần 16 nghìn hộ đồng bào Khmer phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, Bạc Liêu đã có thêm gần một nghìn hộ đồng bào Khmer thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 3.249 hộ (chiếm 18,87%); hộ cận nghèo 2.230 hộ (chiếm 16,41%).

Nhằm thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào Khmer, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức tuyên dương 100 cá nhân là hộ đồng bào Khmer vượt khó vươn lên thoát nghèo trên địa bàn tỉnh. Nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi rất đáng trân trọng như gia đình bà Thạch Thị Hạnh, ở xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi. Chỉ cách đây mấy năm, gia đình bà Hạnh rất khó khăn, nhà đông con nhưng chỉ có một công đất canh tác lúa. Ðược sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và các đoàn thể, năm 2014, bà Hạnh được hỗ trợ cặp bò giống để nuôi. Từ hai con bò giống được hỗ trợ bà Hạnh tiếp tục nuôi bò đẻ để cung cấp con giống cho những hộ có nhu cầu. Mỗi năm, gia đình bà bán từ một đến hai con bò với mức giá trung bình từ 15 đến 18 triệu đồng/con. Ngoài ra, bà Hạnh còn vay thêm vốn xây chuồng trại để nuôi thêm lợn, gà. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm cho thu nhập hơn 90 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình bà Hạnh đã có cuộc sống ổn định. Tương tự, gia đình bà Huỳnh Thị Quen, ở xã Long Ðiền, huyện Ðông Hải mấy năm trước cũng chỉ có hơn một công đất rẫy, kinh tế rất khó khăn. Từ năm 2014 đến nay, bà Quen cải tạo diện tích đất trồng rau màu kết hợp mãng cầu ta và bưởi da xanh. Trung bình mỗi tháng gia đình bà Quen thu từ tám đến mười triệu đồng từ rau màu và cây ăn trái, đời sống khá lên rất nhiều.