Giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam

NDO -

Vào 16 giờ 30 phút chiều nay, Báo Nhân Dân phối hợp Ủy ban Dân tộc tổ chức giao lưu trực tuyến "Gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II tại Tòa soạn Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống, Hà Nội.

Giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam

Từ ngày 2 đến 4-12-2020,  Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam lần thứ II diễn ra tại Hà Nội, với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tham dự chương trình giao lưu trực tuyến có năm đại biểu đại diện cho năm dân tộc thiểu số gồm:

- Bà Phạm Thị Lâm, dân tộc Chứt, Trưởng bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

- Ông Thăng Văn Báo, dân tộc Sán Dìu, người có uy tín, hộ sản xuất giỏi thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

- Ông Lê Quang Nghìn, dân tộc Ngái, hộ nông dân sản xuất giỏi xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

- Anh Bùi Văn Đông, dân tộc Mường, Chủ tịch UBND xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

- Anh Hùng Văn Hoạch, dân tộc Cống, nông dân tiêu biểu bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi giao lưu tới các khách mời qua email: nhandandientutiengviet@gmail.com hoặc tại Fanpage của Báo Nhân Dân điện tử tiếng Việt https://www.facebook.com/nhandandientutiengviet/

 16:35

 Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử phát biểu khai mạc buổi gặp mặt

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trước hết, thay mặt Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân, tôi xin trân trọng cảm ơn các khách tham dự chương trình hôm nay.

Từ ngày 2 đến 4-12-2020, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam lần thứ II năm 2020 sẽ được tổ chức, với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Được tổ chức 10 năm một lần, Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc Việt Nam, là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình phát triển, những thành tựu nổi bật của công tác dân tộc, chính sách dân tộc, những nỗ lực vươn lên trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đặc biệt là giai đoạn 2010 - 2020.

Đại hội có nhiệm vụ đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2010-2020; đánh giá 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội DTTS lần thứ I năm 2010; Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và định hướng đến năm 2030.

Đại hội cũng là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đại hội có sự tham gia của 1.600 đại biểu chính thức và 300 đại biểu khách mời.

Trong đó, 1.240 đại biểu đại diện của 54 dân tộc tham dự Đại hội được bầu chọn tại Đại hội Đại biểu Dân tộc thiểu số cấp tỉnh lần thứ III; 360 đại biểu Trung ương chọn cử tham dự Đại hội.

Thực hiện Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền về dân tộc miền núi giữa Báo Nhân Dân và Ủy ban Dân tộc, Ban Nhân Dân điện tử tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến Gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II.

Đây là dịp để các khách mời đại diện cho các dân tộc thiểu số Mường, Chứt, Sán Dìu, Cống, Ngái chia sẻ về những công việc, thành tích mà các anh chị đã cống hiến trong những năm qua cho quê hương, dân tộc mình. Đây cũng là diễn đàn để các anh chị nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình đối với Đảng, Nhà nước, nhằm đề xuất thêm những chính sách, hỗ trợ mới giúp các dân tộc cùng phát triển trong sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, giao lưu trực tuyến cũng là dịp để bạn đọc tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số mà các khách mời đang đại diện.

Một lần nữa, thay mặt Ban Nhân Dân điện tử, tôi xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay.

Xin chúc quý vị sức khỏe và chúc buổi giao lưu trực tuyến thành công tốt đẹp!

Giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam -0

 16:41

 Câu hỏi: Có mặt tại Tòa soạn Báo Nhân Dân để tham dự giao lưu là năm gương mặt có độ tuổi, giới tính và nghề nghiệp khác nhau, đại diện cho các dân tộc Mường, Chứt, Sán Dìu, Ngái và Cống. Xin các khách mời giới thiệu về bản thân mình. Cảm xúc của ông, bà, anh, chị khi được chọn làm đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II như thế nào?

Ông Thăng Văn Báo, người có uy tín, hộ sản xuất giỏi thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, dân tộc Sán Dìu: Hôm nay, tôi rất vinh dự làm khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến tại Báo Nhân Dân.

Giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam -0

Kính thưa các khách mời, thôn Muối chủ yếu đồng bào dân tộc sinh sống với người Sán Dìu chiếm tỷ lệ 98% dân số. Những năm gần đây, thôn Muối được Đảng, Nhà nước và chương trình chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển mô hình kinh tế hiệu quả. Trên địa bàn có nhiều thôn phát triển, tác động tích cực đến đời sống người dân trong thôn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thay đổi diện mạo của thôn.

Tôi từng là lính chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Tháng 2-1986, tôi xuất ngũ về địa phương, lập gia đình và tham gia lao động sản xuất tại quê hương. Những năm ấy, nông nghiệp là chủ yếu, trồng lúa màu chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập chỉ đủ ăn.

Không bằng lòng với cuộc sống, với sức trẻ và nỗ lực cố gắng của bản thân, được sự ủng hộ của anh em họ hàng, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi mô hình cây trồng từ hoa màu năng suất hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, chủ yếu là vải thiều.

Gia đình tôi cũng gương mẫu trong chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tôi được bầu là đại biểu Hội đồng nhân dân xã, trưởng thôn và là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi cùng ban chỉ đạo thôn phát triển kinh tế văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tôi đã vận động nhân dân hiến đất, đóng góp xây dựng đường giao thông của thôn. Hiện tại, thôn Muối là thôn đầu tiên đạt tiêu chí nông thôn mới và hiện được công nhận là nông thôn mẫu kiểu mới.

Bên cạnh làm tốt công tác xã hội, trong giai đoạn 2015 - 2020, gia đình đoàn kết yêu thương, chăm lo đẩy mạnh kinh tế gia đình tập trung chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích canh tác.

Hiện tại, gia đình có năm hec-ta đất trồng các loại cây ăn quả, cho thu nhập chủ yếu là vải. Tổng thu nhập hằng năm của gia đình đạt 350 triệu đồng/năm.

Tôi luôn tích cực học hỏi tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn bà con cắt tỉa cành, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, tạo sản phẩm chất lượng cao như vải thiều quả to, mẫu mã đẹp, hương thơm ngọt đặc trưng, được các người dân chung quanh về học tập. Năm 2019, thôn Muối đón nhiều đoàn khách đến thăm quan.  

Tôi rất vinh dự được tỉnh Bắc Giang bầu làm đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. Tôi cũng muốn được học hỏi, giao lưu với đại biểu của 54 dân tộc của Việt Nam tại hoạt động lần này.

Ông Lê Quang Nghìn: Tôi hiện ở xóm Hồng Thái 2, Tân Cương, Thái Nguyên. Xã tôi 95% người công giáo. Gia đình tôi có hai người con, một trai, một gái. Con trai tôi đang học Đại học Y năm thứ 4, con gái giúp gia đình bán chè, hỗ trợ gia đình sản xuất chè.

Bà Phạm Thị Lâm: Tôi sinh năm 1962, chồng mất sớm, có ba con trai. Con trai đầu hiện đang công tác tại Phòng Y tế huyện, con trai thứ học nông - lâm và đang làm ở nhà. Con thứ ba trước làm công an viên, giờ làm công tác mặt trận ở địa phương. 

Bản thân tôi làm trưởng bản và đại biểu HĐND huyện từ năm 1999, được ba nhiệm kỳ. Hiện tại tôi làm đại biểu HĐND xã, Trưởng bản Cáo và y tá thôn bản. 

Anh Hùng Văn Hoạch: Tôi ở bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Bản và xã của tôi là vùng sâu vùng xa, nên quá trình đi học khó khăn, vất vả. Lớp 5, để đến được lớp học phải đi bộ 10km. Hết lớp 5, tôi cùng năm bạn học khác ở xã khác, nhưng chỉ còn một mình tôi theo học bởi đi lại rất khó khăn. Lớp học mới cách nhà tôi 45 km, lúc đó chưa có đường xe như bây giờ. Học hết lớp 9, bố mẹ yêu cầu tôi nghỉ học, nhưng tôi nói, phải học hết lớp 12 để dân bản nhìn con làm tấm gương noi theo. Người dân bản phần lớn trình độ học vấn thấp, vì vậy, đời sống kinh tế người dân không cao, chỉ dựa vào làm nương. Sau này, tôi cùng chính quyền địa phương vận động bà con trồng lúa ruộng để sinh sống.

Ông Bùi Văn Đông: Tôi là Bùi Văn Đông, sinh năm 1977, năm nay 43 tuổi, hiện là Chủ tịch UBND xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Trước khi làm Chủ tịch UBND xã Tu Vũ, tôi là Chủ tịch UBND xã Phượng Mao giai đoạn từ tháng 12-2014 đến hết tháng 12-2019. Kể từ ngày 1-1-2020, xã Tu Vũ được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã Tu Vũ, Yến Mao, Phượng Mao trước đó, tôi tiếp tục nhận chức Chủ tịch UBND xã Tu Vũ.

 16:45

 Câu hỏi: Thưa ông Lê Quang Nghìn, sinh ra và lớn lên ở vùng chè đặc sản Tân Cương, được mệnh danh là “tỷ phú người dân tộc Ngái”, đối với ông, cây chè quan trọng như thế nào? Ông đã vượt qua những khó khăn nào để làm giàu từ cây chè?

Giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam -0

Ông Lê Quang Nghìn: Cây chè đã có lâu đời tại Tân Cương. Gia đình tôi có năm đời theo làm kinh tế từ cây chè, trải qua các thời kỳ từ thời bao cấp làm cho HTX lấy công điểm, sau đó chuyển sang giao đất cho dân canh tác…

Gia đình tôi hiện có 1,5 ha đất trồng chè. Cây chè sống lâu năm, nếu chú trọng quan tâm thì không phải trồng đi trồng lại, cho thu nhập quanh năm.

Trước đây, việc canh tác gặp nhiều khó khăn, không thể dùng các trạm bơm để phát triển chè vụ đông. Nhưng bây giờ, luân phiên các vụ hái lá chè tươi, sau đó khi không có nước tưới thì hái nụ, …tận dụng tối đa. Nên cây chè mang lại công việc ổn định cho nhà nông, đạt 8 vụ/12 tháng.

Nhà tôi thuê thêm người lao động 10-15 người để hái thủ công. Chè được phân loại theo giá trị và mang lại thu nhập.

Nghề làm chè rất vất vả, yêu nghề mới làm được. Tuy nhiên, đây là đặc sản của Tân Cương, Không những du khách trong nước mà khách du lịch quốc tế qua vùng đều ưa chuộng.

Tôi hiện đã phát triển thêm, mở thêm lò, mua thêm nguyên liệu từ những nhà lân cận, mang lại thu nhập. Tôi động viên gia đình yêu nghề chè hơn và phát triển rộng rãi hơn.

Ở xã tôi, các hộ dân đều chăm chỉ làm chè nên đều khá giá, đều phát triển ngành chè, không làm theo ngành nghề khác.

 16:51

 Bạn đọc Lê Thị Thủy, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh hỏi: Thưa bà Phạm Thị Lâm, ở Hà Tĩnh cũng có bà con dân tộc Chứt sinh sống ở bản Rào Tre với nhiều nét văn hóa rất độc đáo. Trước đây đồng bào  dân tộc Chứt  sống du canh du cư, sống nay đây mai đó nhưng khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đã thành  lập bản làng và ổn định cuộc sống. Chúng tôi rất muốn biết thêm thông tin về quá trình định canh định cư của người Chứt. Xin bà kể lại quá trình định cư của người Chứt ở bản Cáo của tỉnh Quảng Bình? 

Giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam -0

Bà Phạm Thị Lâm: Khi tôi làm trưởng bản năm 1999, đầu tiên dân còn du canh du cư, chỉ có ba hộ của gia đình mẹ con tôi ở ngoài này. Khi làm trưởng bản, tôi vào động viên được hai hộ ra, vào giúp họ mang đồ đạc. Sau đó động viên thêm được một hộ nữa là năm hộ. Tôi cũng mua gạo, thịt chia sẻ với họ. Sau này. Nhà nước cho chế độ các gia đình định canh định cư mỗi hộ được 800 nghìn đồng. Nhưng khi đó, tôi không rõ cho nên phải thuê người bản Chuối giúp, mất một bao gạo. Dần dần, đến năm 2001-2002, họ ra dần. Trước khi, tôi cũng đề nghị Ủy ban định canh định cư huyện san ủi đất để dân có đất sản xuất. Trước kia, họ làm dọc bãi biên, khi nước lụt thì không có đất sản xuất, chỉ khi bồi mới có, cho nên sản xuất không ổn định. Ban đầu san ủi được 5 ha, là đất ở, chưa có đất sản xuất cho dân định canh. Ngoài 5 ha đó ra, còn lại là đất của người Kinh và rừng phòng hộ. Mỗi lần họp HĐND, tôi đều kiến nghị để dân có đất sản xuất, còn rừng phòng hộ thì khoanh vùng bảo vệ. Đến năm 2013 được 223 ha đất, tôi mời bên địa chính đến đo đạc và phân từng loại đất, khoanh nuôi bảo vệ, đất sản xuất và đất trồng rừng. Chúng tôi san ủi 5 ha nữa. Đất được phân cho từng hộ theo khẩu. Khi đó, họ có đất sản xuất và trồng rừng. Khi làm được việc đó, tôi nói gì, người dân đều nghe theo. 

Còn về chăm sóc sức khỏe người dân, trước kia khi tôi là y tá thôn bản, mỗi lần có người ốm, một mình tôi cầm bó đuốc đi, có lúc tới 2km, không có đèn pin. Tôi đến cũng chỉ sơ cứu ban đầu, cặp nhiệt độ, đo huyết áp, có sốt thì cho uống hạ sốt hoặc lấy lá chườm. Trước đây, đồng bào không bao giờ đi bệnh viện, chỉ cúng Giàng. Từ khi thấy tôi làm được những việc như vậy, dân đau ốm là động viên đi bệnh viện. Trường hợp nào không đi, tôi lên xin với chính quyền đề nghị hỗ trợ động viên dân đi bệnh viện, có thẻ bảo hiểm y tế, chữa bệnh không mất tiền. 

Đồng bào dân tộc trước kia sinh đẻ nhiều, có hộ sinh tới 9-10 người con, nhưng từ khi làm y tá thôn bản, tôi đã động viên họ, để họ nhìn thấy thực tế từ gia đình tôi mà ra, ba người con đều được học hành đến hết lớp 12. Họ hiểu ra được là sinh ít thì con cái được học hành, và cũng không bị đói. Từ năm 1999 đến giờ, bà con đã thực hiện định canh định cư, có đất sản xuất. Năm 2015, 2016, Đài truyền hình huyện vào quay trực tiếp về đời sống của người dân. 

Hiện tại bây giờ, đồng bào đang được hưởng chế độ định canh định cư. Hết chế độ này là hưởng chương trình 175 các giai đoạn 1, 2, 3 . Hiện nay, điện - đường - trường - trạm đều có, có cả nhà sinh hoạt cộng đồng. Bây giờ, nhận thức của đồng bào đã khá hơn trước, thay đổi nhiều. Trước đây, con em toàn bộ đều mù chữ, cần làm việc gì là đưa hộp dấu để điểm chỉ. Bây giờ, người dân đã không còn như thế nữa. Tôi cũng đã đi học xóa mù chữ và động viên bà con đi học. 

Năm 2019 vừa rồi, Ban Dân vận của huyện đã khen khâu vệ sinh môi trường của bản Cáo. Trong bản có 46 họ, tôi chia thành ba tổ, hằng tuần quét dọn vệ sinh môi trường, các tổ đều có người phụ trách.  Tôi đã có hơn 20 năm làm trưởng bản và đã đạt được những kết quả như vậy.

- Bà là đại diện duy nhất của dân tộc Chứt đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam, vậy cảm nghĩ của bà về việc này như thế nào? 

Bà Phạm Thị Lâm: Tôi rất vinh dự được bầu từ xã lên đến huyện, tỉnh và đi dự ở cấp Trung ương. Dự đại hội, được gặp gỡ các dân tộc, được lắng nghe các chia sẻ của các dân tộc ở các vùng khác, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm để làm việc tốt hơn ở địa phương mình. 
 

 16:59

 Thưa anh Bùi Văn Đông, Phượng Mao được mệnh danh là “xứ Mường” của huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, nơi có gần 85% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Năm 2015, Phượng Mao đã ra khỏi danh sách xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhờ sự dẫn dắt của anh với tư cách là Chủ tịch xã. Và mới đây Phượng Mao đã trở thành xã miền núi của Phú Thọ đạt chuẩn nông thôn mới. Xin anh chia sẻ lại quá trình thay da đổi thịt của Phượng Mao, nơi anh từng là chủ tịch xã?

Giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam -0
Ông Bùi Văn Đông: Năm 2015 xã Phượng Mao ra khỏi xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bước vào năm 2015, năm đầu của nhiệm kỳ Đảng bộ xã, thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã, trong bối cảnh xã Phượng Mao có 3.300 nhân khẩu, trong đó có 85% là đồng bào dân tộc Mường, cư trú tại 10 khu hành chính trên địa bàn xã. Khi đó, đời sống nhân dân xã Phượng Mao chủ yếu sinh sống nhờ làm nông nghiệp.

Thời điểm năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 10%, thu nhập bình quân đầu người khi đó chỉ vào khoảng 22 triệu đồng/người/năm. Bước vào xây dựng nông thôn mới, Phượng Mao thực hiện theo bộ tiêu chí của tỉnh (Phú Thọ) cụ thể hóa từ bộ tiêu chí của Trung ương.

Căn cứ vào đặc thù của địa phương, Đảng bộ, chính quyền đưa vào nghị quyết của Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 đưa xã Phượng Mao đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ về phát triển kinh tế, xã Phượng Mao đã thực hiện nhiều mô hình, đặc biệt dựa trên tiềm năng, thế mạnh của xã là một xã thuần nông.

Chúng tôi đã thành lập các hợp tác xã, các nhóm liên kết, thí dụ như hợp tác xã rau an toàn, hợp tác xã bưởi, hợp tác xã chăn nuôi… và một số hợp tác xã liên doanh, sản xuất liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, để bán các sản phẩm nông nghiệp của mình cho các doanh nghiệp liên doanh liên kết. Từ đó, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm chăn nuôi dễ dàng tiêu thụ được, tăng được thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nâng cao được đời sống người dân đồng thời phát triển được kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, ngoài việc cải thiện sản xuất nông nghiệp thì quan điểm của xã Phượng Mao là chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt đào tạo nâng cao tay nghề để có thể tiếp cận với lĩnh vực công nghiệp và làm công nhân làm việc tại các cụm, khu công nghiệp gần đó, từ đó có thu nhập ổn định.

Ngoài phát triển kinh tế - xã hội, xã Phượng Mao cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn trước vì Phượng Mao nằm trong diện đặc biệt khó khăn nên cũng được nhà nước ưu tiên đầu tư một số hạng mục. Giai đoạn năm 2015-2020, phát huy các nguồn lực tại địa phương như giao đất, đấu giá đất, kết hợp với tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Phượng Mao đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm. Đến hết năm 2017, xã Phượng Mao được thẩm định là xã nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ và chính thức được công nhận ngày 22-12-2017.

Giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam -0
Biểu diễn tại lễ hội Mường Bi (Ảnh: Nhân Dân điện tử).

Đạt được kết quả như vậy là nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Cụ thể là sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường (chiếm 85%).

 17:05

 Bạn đọc Ma Thị Thái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn hỏi: Thưa anh Hùng Văn Hoạch, bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), là môt trong bốn bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên có cộng đồng người Cống sinh sống với 79 hộ dân, gần 400 nhân khẩu. Là một thanh niên trẻ, đại diện cho của dân tộc Cống vốn chỉ có khoảng hơn 2.000 người tại Việt Nam, anh có thể chia sẻ những đóng góp của mình trong bước đường đổi mới đầy khởi sắc ngày nay của Lả Chà? Người Cống ở Lả Chà đã làm những gì để phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo?

Giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam -0 

Anh Hùng Văn Hoạch, bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên): 

Về kinh tế, do là vùng sâu vùng xa, đường xá xa xôi, lại không có đường xe nên bản Lả Chà không có điều kiện phát triển tốt. Chủ yếu là chăn nuôi để tăng gia sản xuất, như: gà, trâu, bò... để phát triển kinh tế cho gia đình.

Tôi làm Phó Ban Quân sự xã Pa Tần từ tháng 1-2016. Xã có bốn dân tộc sinh sống, nhưng dân tộc Mông chiếm 70%, phần lớn là dân di cư nơi khác chuyển về. Mỗi năm, cơ quan chức năng vận động, tuyên truyền nhập ngũ cũng rất vất vả. Do đó, tôi cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành vận động, tuyên truyền người đi nhập ngũ.

Hằng năm, gia đình tôi vẫn trồng lúa ruộng cho năng suất cao, đủ ăn. Bố mẹ tôi và tôi vay vốn 15 triệu đồng của Nhà nước để mua bò về nuôi, nay đã được hơn 20 con. Chị gái và anh, chị em chia nhau. Bên cạnh đó, dân tộc Cống được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Ủy ban Dân tộc tỉnh/huyện, đầu tư nhiều đề án như: Xây dựng nông thôn mới, làm kênh mương, cải thiện hệ thống nước sạch...

17:09 

 Sau khi nghe câu chuyện của bà Phạm Thị Lâm, bạn đọc Hoàng Văn Thiêm, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên có gửi đến câu hỏi: Làm thế nào để một người phụ nữ như bà được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng bản khi người đàn ông của dân tộc Chứt vốn vẫn giữ vị trí quan trọng. Được biết "Buồng thiêng" của người Chứt là nơi chỉ có người đàn ông trụ cột trong gia đình và người con trai cả mới được phép bước chân vào. Phụ nữ, người lạ, kể cả con rể trong gia đình, tuyệt đối không được bước vào. Ngày nay, bản Cáo còn giữ được “buồng thiêng” trong nhà của mình không? 

Bà Phạm Thị Lâm: Trong nhà ba gian trước đây của người Chứt, gian đầu tiên hay còn là gian ngoài, thì con trai được vào, phụ nữ không được vào. Trong buồng, người trong gia đình đều được vào, trừ con gái đã lấy chồng, con rể, con dâu.

Về bản thân tôi, dù là phụ nữ nhưng tôi được bà con bầu làm trưởng bản nhiều năm do các hoạt động và kiến thức của tôi ở trong bản. Trước đó, bố tôi làm trưởng bản, vừa làm ở Hội đồng Nhân dân huyện. Vừa là già làng, vừa có uy tín trong bản, vừa là người bố, ông đã giới thiệu tôi trước khi nghỉ hưu. Ông nói rằng, con tôi là Phạm Thị Lâm, chồng đã mất, một mình nuôi sáu đứa con, có thể làm được việc. Sau đó, tôi trúng trưởng bản và đại biểu Hội đồng nhân dân huyện trong năm 1999.

Bố tôi kiên trì động viên tôi vượt qua, giúp đỡ bà con. Có lần, bố tôi giơ chân ra và nói rằng “bố chỉ có cái xe này”. Khi làm nhiệm vụ, trước tiên mình phải có uy tín, gương mẫu. Kể cả khổ, mình vẫn phải cho con đi học. Mình làm trưởng bản, trước hết mình phải sản xuất, làm việc, để bà con làm theo mình, họ có thu nhập, sản xuất. Bà con nghe mình động viên, cứ bị đau ốm thì tìm đến bệnh viện vì có bảo hiểm y tế rồi.

 17:15

 Bạn đọc Nguyễn Mai Lan, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái hỏi: Thưa ông Thăng Văn Báo, từ năm 2011 đến nay, nhờ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà bộ mặt của thôn Muối đã có nhiều khởi sắc. Nói về những đổi thay ấy, người dân nơi đây không quên nhắc đến cựu chiến binh - người uy tín - trưởng thôn Thăng Văn Báo. Tháng 9 vừa qua, thôn Muối vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020 tiêu biểu về mô hình vườn hộ gia đình trồng cây ăn quả. Dưới sự dẫn dắt của ông, thôn Muối của người Sán Dìu đã làm những gì để trở thành thôn đạt chuẩn nông thôn mới?

Cựu chiến binh  - Người có uy tín - Trưởng thôn Thăng Văn Báo:

Với vai trò, trách nhiệm là đại biểu Hội đồng nhân dân xã, Trưởng Ban công tác mặt trận, người có uy tín, tôi đã chia sẻ thành công của mình cho nhân dân trong thôn, để mọi nhà đều no đủ.

Hơn nữa, tôi thường xuyên động viên, giúp đỡ nhân dân trong thôn tích cực trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vải thiều.

Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người các hộ trong thôn đạt 56 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo giảm nhanh chỉ còn 2,5%. Tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Từ kinh nghiệm của bản thân trong công tác xã hội và sản xuất, để có thể thuyết phục người dân thực hiện, mình cần phải là tấm gương thực hiện nghiêm túc trước. Để phát triển kinh tế, bản thân mình cũng phải không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Từ đó, mới tạo được ra sản phẩm có chất lượng cao, được thị trường đón nhận. Hiện sản phẩm vải thiều của gia đình tôi và thôn Muối trồng ra không đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường. 

 17:19

 Cùng với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, xây dựng những mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn thì việc giữ gìn bản sắc của dân tộc mình trong cộng đồng 54 dân tộc anh em cũng rất quan trọng. Mong các đại biểu chia sẻ về điều này. Xin mời anh anh Hùng Văn Hoạch, xin anh chia sẻ những khó khăn gìn giữ bản sắc của đồng bào Cống?

Anh Hùng Văn Hoạch: Trước đây, xã hội thay đổi khiến lớp trẻ của dân tộc Cống không giữ được nhiều bản sắc dân tộc. Nhưng kể từ khi Ủy ban Dân tộc hỗ trợ tổ chức lễ hội Tết Hoa thì những năm gần đây người dân tộc Cống đã khôi phục được lễ hội của mình và lễ hội Tết Hoa đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong thời gian tới, chúng tôi cùng với chính quyền sẽ tuyên truyền vận động cho bà con dân tộc Cống tiếp tục giữ được bản sắc của mình, không đánh mất đi những nét văn hóa, bản sắc của dân tộc.  
Thế còn việc gìn giữ bản sắc của dân tộc Ngái gặp những khó khăn ra sao, ông Lê Văn Nghìn có thể chia sẻ với độc giả? 

Ông Lê Văn Nghìn: Hiện nay trên cả nước, dân tộc Ngái còn tỷ lệ rất thấp, chỉ có dưới 1.000 người. Tại tỉnh Thái Nguyên có số người cao nhất với gần 500 nhân khẩu nhưng sống rải rác nhiều nơi. Ủy ban Dân tộc đã nhiều lần khảo sát để bảo tồn văn hóa, tiếng nói, phong tục, giữ gìn bản sắc dân tộc nhưng do số lượng người ít, sống nhỏ lẻ nên không thể đủ để đầu tư. Chẳng hạn như rất khó để khôi phục tiếng nói vì mỗi xã có vài người, mà từ xã nọ đến huyện kia lại rất xa, có vài gia đình. Do đó, tôi rất mong muốn sẽ sớm khôi phục được tiếng nói riêng và bản sắc của đồng bào dân tộc Ngái. 

Hiện dân tộc Ngái cũng không còn người già để giữ gìn tiếng nói và bản sắc dân tộc. Các cấp chính quyền địa phương cũng chia sẻ khó khăn do số lượng người ít và sống nhỏ lẻ nên rất khó để bảo tồn. 

 17:22

 Thưa anh Bùi Văn Đông, công tác bảo tồn văn hóa người dân tộc Mường ở địa phương anh ra sao?

Giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam -0

Ông Bùi Văn Đông: Tỷ lệ người dân tộc ở huyện Thanh Thủy rất thấp, đặc biệt là sau khi sát nhập với xã Phượng Mao và Mao Tú. Hiện nay, có khoảng 12 nghìn đồng bào dân tộc sống ở đây. 

Việc bảo tồn các giá trị dân tộc Mường có nhiều khó khăn. Người dân tộc không ở tập trung, nằm rải rác các địa bàn khác nhau. Vậy nên, công tác bảo tồn chỉ có thể thực hiện ở một số khu nhất định. 

Một số phong tục tập quán của người Mường vẫn được giữ gìn, như nhà sàn, hai nữa là tục múa cồng chiêng, ba là phong tục thờ cúng tổ tiên được duy trì ở những vùng tập trung đông đồng bào.

Cấp ủy chính quyền cũng thành lập các câu lạc bộ nhằm giữ gìn phong tục tập quán của dân tộc Mường. Thí dụ như, chọn một điểm giao lưu văn hóa, như một nhà sàn lớn, cùng với đó là tiến hành sưu tầm các công cụ, dụng cụ mà người dân tộc Mường thường sử dụng.

Cùng với đó, chúng tôi cũng có đội chơi cồng chiêng, phục vụ khách du lịch cộng đồng, khách có thể tham quan nhà sàn nữa. 

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, ngôn ngữ và văn hóa của người Mường đang mai một rất nhanh. Các thế hệ con cháu sinh từ sau năm 1985 cơ bản là không nói tiếng Mường. 

Chính quyền địa phương cũng quan tâm về vấn đề này, nhưng nhu cầu xã hội hóa vẫn là ưu tiên, vậy nên kinh phí cho việc bảo tồn, truyền bá phong tục người dân tộc là rất thấp.  

 17:24

 Xin hỏi ông Lê Quang Nghìn: Được biết, khu vực của ông người dân làm giàu từ cây chè, theo ông, các chính sách của Nhà nước, tỉnh, huyện có tác động tích cực nào đến thu nhập của gia đình ông và người dân?

Ông Lê Quang Nghìn: Về chính sách của Đảng và Nhà nước, tôi cũng như các đồng bào thiểu số khác xin được bày tỏ sự biết ơn đến Đảng, Nhà nước, bởi các chính sách này khiến chúng tôi có thể ổn định sản xuất và có thu nhập ổn định.

Đầu tiên, chúng tôi tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ không lãi suất thông qua Ủy ban Dân tộc, qua đó đầu tư vào sản xuất tạo thu nhập ổn định.

Tiếp đến là chính sách tuyên truyền qua các kênh truyền thông bằng tiếng dân tộc, giúp người dân không nói được tiếng Kinh có thế tiếp cận thông tin, kiến thức.

Bên cạnh đó là chính sách tập huấn, nâng cao kiến thức cho người dân. Như gia đình tôi, qua các buổi tập huấn của tỉnh huyện, bên cạnh việc áp dụng trực tiếp vào sản xuất của mình, tôi còn có thể chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, giúp mọi người cùng làm kinh tế.

 17:26

 Bạn Đinh Hoàng Lê (Sơn Động, Bắc Giang) hỏi bà Phạm Thị Lâm: Là trưởng bản uy tín huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, xin bà chia sẻ câu chuyện ấn tượng nhất trong công tác vận động người dân?

Bà Phạm Thị Lâm: Trước đây, phụ nữ tại huyện chúng tôi sinh đẻ nhiều, nhưng không ai biết ngày, tháng, năm sinh của mình. Đồng bào tại đây cứ xác định người già thì sinh năm 1975. Điều đó dẫn đến thực tế là có nhiều người làm anh lại trẻ hơn em, em thì được vào hội cao tuổi còn anh chưa đủ tuổi, rất thiệt thòi.

Bản thân tôi là người sớm có nhận thức về học hành, đi học xóa mù chữ. Mỗi lần vào thôn bản, tôi thấy bà con rất khổ, không biết tiếng, không biết chữ, phải phiên dịch giúp bà con nên vận động bà con cố gắng học hành.

Đầu tiên, tôi vận động bà con mở lớp xóa mù tại bản với lớp mẫu giáo, mượn nhà của dân. Sau đó, chúng tôi họp dân bản lại để bàn đóng góp cọc, lá để dựng lớp mầm non. Hiện tại, nhận thức của bà con đã khác.

Một số trường hợp khó khăn, chúng tôi đề nghị lên xã, huyện có kế hoạch trong một, hai tháng phải giúp một người này trồng rau, dọn vệ sinh, giúp đỡ…

Với uy tín trong công tác Trưởng ban, Chi hội trưởng hội phụ nữ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, qua các việc làm thực tế nên người dân rất hưởng ứng những lời kêu gọi của tôi. Thí dụ, về sản xuất, gia đình tôi cũng làm trước rồi kêu dân bản đi làm.

Tôi còn nhớ năm 2013, khi mới chia rừng cộng đồng còn gặp rất nhiều khó khăn vì lâm tặc ồ ạt khai thác trái phép. Chúng tôi báo lên công an quân sự, huy động dân bản gồm hơn 20 phụ nữ vác rựa lên rừng và làm rất căng thẳng. Khi đó, lâm tặc họ mới bỏ lại gỗ đã khai thác trái phép. Đến giờ, nạn phá rừng tại bản tôi không còn người. Hơn 85% người dân bản tôi đều chấp hành theo quy ước của bản.

Về một số đề xuất với Đảng và Nhà nước, tôi mạnh dạn đề xuất ba vấn đề:

Thứ nhất, về đào tạo con người, tôi đề nghị cấp trên đào tạo con người là đồng bào sở tại. Thực tế, con em được đi học vay tiền ngân hàng để đi học rất khó khăn nhưng không xin được việc tại địa phương. Người đồng bào chúng tôi hiểu nhau hơn và tâm đắc với người đồng bào là lãnh đạo, còn người nơi khác về làm hết nhiệm vụ là họ đi. Do đó, tâm đắc nhất là đào tạo con em trong bản.

Thứ hai, nhờ Nhà nước quan tâm hơn nữa. Mặc dù đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm rất nhiều nhưng vì dân trí, nhận thức người đồng bào dân tộc còn thấp nên chưa thể thoát nghèo. Vì thế, tôi rất mong Nhà nước tìm hiểu quan tâm thêm tới những vùng còn nghèo để nâng cao nhận thức cho họ.

Thứ ba, Nhà nước cần quan tâm tới những vùng đã mất bản sắc riêng của đồng bào họ.

 17:35

 Bạn Ma Văn Hưng (Yên Minh, Hà Giang) hỏi ông Bùi Văn Đông: Với tư cách là chủ tịch xã, ông đánh giá thế nào về ưu việt,  thành tựu của các chính sách của Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số?

Ông Bùi Văn Đông:

Các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai từ Trung ương, tỉnh, huyện xuống cấp cơ sở là cấp xã chúng tôi.

Trong giai đoạn xã được hưởng chính sách hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn, chúng tôi được đầu tư về cơ sở hạ tầng, chính sách khác như cấp thẻ BHYT. Con em đi học tại các trường đại học, cao đẳng, mầm non được hỗ trợ kinh phí học tập. Ngoài ra, còn có một số hỗ trợ mô hình kinh tế đồng bào dân tộc ở cơ sở.

Ngoài hỗ trợ trực tiếp bằng chính sách cho người dân tộc của Đảng, Chính phủ cho đồng bào dân tộc, chúng tôi cũng nhận được nhiều chính sách khác góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Các chính sách làm thay đổi bộ mặt của thôn, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gặp khó khăn, hộ cận nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Từng bước đưa người dân, hộ nghèo được xóa đói giảm nghèo, tạo thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Hiện tại, các hộ này đã thoát được nghèo. Năm 2015, tại địa bàn xã, số hộ nghèo chiếm gần 10%, cận nghèo 12%. Hết năm 2019, số hộ nghèo còn 4,1%, hộ cận nghèo gần 5%.

Sau khi xã ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn, chúng tôi không còn được đầu tư nữa, chỉ còn một số khu được quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa, quan tâm đến chính sách hỗ trợ bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc, bảo tồn về chữ viết, các đồ dụng cụ sưu tầm.

Tôi xin chia sẻ, hiện nay, các chính sách được hỗ trợ, đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ BHYT, đồng bào đi học chỉ mang tính giai đoạn. Nếu muốn bền vững, tôi đề xuất Nhà nước phải hỗ trợ đầu tư, thành lập quỹ để bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nói chung như: sưu tầm tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán lâu bền. Về lâu dài, cũng cần có nhiều chính sách hỗ trợ để nhằm bảo tồn văn hóa tuyền thống của đồng bào dân tộc.

 17:40

 Được biết người Chứt có nhiều năm du canh, du cư ở trên rừng, nhưng vẫn có những bản sắc văn hoá độc đáo như nhạc cụ tự làm hoặc những văn hoá dân gian người Chứt sở hữu. Trải qua quá trình định canh định cư đồng bào người Chứt có còn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc?

Bà Phạm Thị Lâm: Người Chứt cũng đã mất nhiều bản sắc văn hoá dân tộc. Trước đây, người Chứt làm nhà sàn, ba gian để ngăn “buồng thiêng”. Sau khi chuyển tới khu định cư nhà nước làm, không còn “buồng” nữa. Có những hộ cố gắng làm hình thức nhà gỗ một bên và “buồng" ở giữa thì mới lưu giữ được bản sắc văn hoá này, nhưng rất ít. 

Tôi cũng rất tích cực tìm lại và gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc mình. Đó là những bộ trang phục của người Chứt. Trước đây, váy của người Chứt phải là váy xanh hoặc váy đen, dưới viền chân có màu đỏ hoặc trắng. Áo thêu hình núi trên cổ, trước ngực. Nhưng giờ cũng không còn người may thế nữa.

Thờ cúng của người Chứt cuối năm là cúng ma rừng, nhưng từ khi bỏ lò nướng thì không còn ai duy trì tập quán thờ cúng này nữa. 

Tuy nhiên, may mắn là các sản phẩm đan lát cùng họa tiết của người Chứt vẫn được phát triển và gìn giữ.

Ông Thăng Văn Báo: Về trang phục của người Sán Dìu thì từ ngày xưa thời các cụ chỉ có áo nâu, quần nâu. Các bản màu mang về nhuộm rồi may quần áo nâu. Về tiếng nói, cho đến bây giờ vẫn đang khôi phục. Những thôn ở vùng sâu, vùng xa, các cháu nhỏ đi học vẫn nói tiếng của đồng bào Sán Dìu. Còn ở khu vực đông dân cư, người dân tiếp cận với văn hóa mới nhưng vẫn nói được tiếng của đồng bào. Dân tộc Sán Dìu chỉ có hát, nói, không có chữ viết. Hiện thôn Muối có hai câu lạc bộ dạy chữ Nho, một câu lạc bộ người cao tuổi, một câu lạc bộ trẻ nhỏ. Vừa rồi thôn cũng tổ chức cho các cụ cao niên dạy cho các cháu học hát.

 17:48

 Bạn đọc Trịnh Hòa (TP Cao Bằng) hỏi ông Thăng Văn Báo: Được biết tại thôn của ông, theo tập quán của người Sán Dìu, trước đây chủ yếu là ruộng lúa nước, làm thế nào để chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang trồng vải thiều. Ông có thể cho biết khó khăn của việc chuyển đổi?  

Ông Thăng Văn Báo: Chỗ nhà tôi ban đầu mới có một vài hộ trồng cây vải. Trước những năm 90  của thế kỷ trước, chưa có nhiều người trồng nhiều. Thấy quả vải có giá trị, nên người dân bắt đầu trồng. Sau đó, việc trồng vải lan dần ra xóm vì cây lúa trên ruộng bậc thang không bảo đảm dù có hồ thủy nông.

Ban đầu, bà con mạnh dạn chuyển đổi một số ruộng bậc cao trồng cây vải, sau đó thị trường vải phát triển trong nam ngoài bắc, khiến bắt đầu từ năm 1995, bà con bắt đầu chuyển đổi trồng cây vải thiều hoàn toàn. Bà con trong thôn học hỏi nhau, từ trồng 1, 2 sào mỗi hộ rồi trồng toàn bộ. Vải thiều ổn định, ít mất mùa, ổn định cho bà con. Trồng một sào vải thiều thu được 50, 60 triệu đồng/năm, trong khi trồng lúa thì mỗi sào được từ 2,5 tạ đến 3 tạ. 

 17:53

 Bạn đọc Giang Hà Vinh (huyện Đức Cơ, Gia Lai) Xin hỏi ông Thăng Văn Báo: Qua thực tế làm kinh tế hộ, ông có đề xuất gì để duy trì thúc đẩy kinh tế hộ để phát triển hơn nữa? 

Ông Thăng Văn Báo: Tôi xin chia sẻ, hiện chúng tôi đang chia khoanh vùng theo tổ sản xuất: thành lập được bốn tổ và hai hợp tác xã. Có như vậy, sản phẩm làm ra mới bán được. 

Nhưng trước tiên, phải vận động nhân dân sản xuất tập trung, theo vùng chuyên môn, theo hướng dẫn của khuyến nông lâm để sản xuất ra quả vải sạch, xuất khẩu đi các nước. 

Vừa rồi, thôn Muối có hai thôn được hướng dẫn sản xuất theo VietGap để xuất khẩu sang Nhật Bản, nhưng bị mất mùa nên chưa xuất hẩu sang nước này được. 

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước có hiệu quả còn thấp. Hiện chúng tôi tự nhân giống được cây giống. Tuy tự nhân nhưng gặp khó khăn ở đầu ra. Do đó, chúng tôi đang đề nghị các cơ quan ở trên quy hoạch từng vùng vải. Bà con mong muốn Nhà nước giúp đầu tư để bà con sản xuất theo tiêu chuẩn áp, có thể xuất khẩu được. 

Giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam -0
 

 17:55

 Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh phát biểu kết luận chương trình

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh phát biểu kết luận chương trình:

Sau gần 2 giờ, các vị đại biểu đã chia sẽ về kinh nghiệm quý báu trong quá trình phát triển cho bản thân cho cộng đồng.

Có thể thấy, các vị đại biểu đều là những người tiêu biểu, gương mẫu trong cộng đồng, nói đi đôi với làm và là tấm gương sáng trong cộng đồng khu vực.

Qua đó, khẳng định chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt kinh tế của các vùng sâu đồng bào dân tộc thiểu số.

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn các vị đại biểu về dự toạ đàm, chúc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II thành công tốt đẹp.