Đồng hành cùng phụ nữ thoát nghèo

Với mong muốn bảo tồn văn hóa bản địa và làm điểm tựa cho chị em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, chị Sùng Thị Lan (trong ảnh), người dân tộc H’Mông ở xã Tả Van, thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Mường Hoa. Chị cảm thấy tự hào khi không chỉ gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương mà còn đồng hành cùng bà con vươn lên thoát nghèo.

Đồng hành cùng phụ nữ thoát nghèo

Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tả Van, tháng 9-2018, dưới sự hỗ trợ của đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai triển khai, chị Sùng Thị Lan thành lập HTX Mường Hoa với mục đích khôi phục nghề nhuộm, dệt vải truyền thống và làm hương thủ công, tạo việc làm cho chị em phụ nữ dân tộc H’Mông và Giáy có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu HTX chỉ có chín thành viên, đến nay HTX đã thu hút thêm 11 xã viên liên kết. Chị Lan cho biết: Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các thành viên, HTX đã tạo ra được sản phẩm riêng mang đậm tính dân tộc. Ðiều đặc biệt là các sản phẩm của HTX được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào trong quá trình sản xuất. Một số nguyên liệu sau sản xuất có thể tận dụng làm nguyên liệu cho quá trình tạo ra sản phẩm khác, như: củ nâu, củ mài là nguyên liệu phục vụ cho công đoạn nhuộm vải và bã của chúng được tận dụng nghiền làm một phần nguyên liệu cho hương thảo mộc…

Nhằm giảm gánh nặng môi trường, hạ giá thành mặt hàng thủ công và nâng cao năng suất cho bà con, chị Lan đã triển khai mô hình tái chế thổ cẩm. Váy, áo, khăn thổ cẩm cũ của bà con các dân tộc thiểu số sau khi HTX thu mua về sẽ được giặt sạch, nhuộm lại mầu bằng nguyên liệu thiên nhiên, may mới thành vỏ gối, lọ hoa, khăn trải bàn, đồ trang trí thổ cẩm có giá trị. Ngoài ra, HTX phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Lào Cai và Hội Nông dân xã Tả Van tổ chức lớp học may cho 30 chị em. Theo chị Sùng Thị Lan, thách thức mà bà con gặp phải chính là thời gian sản xuất lâu, giá thành cao hơn so với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Mong muốn khách hàng hiểu hơn về sự khác biệt cũng như giá trị văn hóa mà các sản phẩm mang lại, HTX Mường Hoa còn tổ chức các tua cho du khách trải nghiệm thực tế, trực tiếp tham gia vào các công đoạn sản xuất các sản phẩm thủ công.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn đặt hàng của HTX giảm mạnh. Trước khó khăn đó, chị em trong HTX đã không bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục duy trì sản xuất ở mức vừa phải để sẵn sàng cung ứng sản phẩm khi thị trường ổn định trở lại, cũng là để chị em rèn luyện tay nghề.

Mới đây, HTX Mường Hoa là một trong những doanh nghiệp xã hội được dự án Thúc đẩy doanh nhân nữ Lào Cai mở rộng kinh doanh lựa chọn giúp đỡ nhằm tháo gỡ khó khăn. Theo đó, ngoài việc được các cố vấn hỗ trợ đồng hành trong sáu tháng, các nữ doanh nhân sẽ được hướng dẫn, song hành, học hỏi xây dựng chuỗi giá trị hợp lý và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ðây sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp các nữ doanh nhân dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai được trang bị thêm kỹ năng, kiến thức để tự tin mở rộng phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình. Chị Sùng Thị Lan chia sẻ: "Sự hoạch định, cố vấn đồng hành của địa phương và dự án đã giúp HTX năng động, nhạy bén hơn trong tiếp cận thị trường, từ đó giúp chúng tôi khắc phục được phần nào khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19".