Đổi thay ở vùng cao Hà Giang

Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Hà Giang đã thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó tạo nguồn lực giúp người dân vùng cao xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Người dân xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) được hỗ trợ vay vốn để phát triển chăn nuôi bò.
Người dân xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) được hỗ trợ vay vốn để phát triển chăn nuôi bò.

Tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc, trong đó có 18 DTTS cùng sinh sống. Dân tộc Cơ Lao là một trong những DTTS rất ít người với 558 hộ, 2.593 nhân khẩu. Thôn Cá Ha, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn là nơi có đông đồng bào dân tộc Cơ Lao sinh sống với 84 hộ. Trước kia, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do trình độ lạc hậu, sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, điều kiện cơ sở hạ tầng yếu kém... Được nhận hỗ trợ kinh phí để thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cơ Lao trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013 - 2020, Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh đã phối hợp với chính quyền xã Sính Lủng tập trung công tác tuyên truyền, đào tạo nhằm giúp người dân nâng cao kiến thức, biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, tham quan mô hình sản xuất tiên tiến ở nhiều địa phương trong tỉnh cho các hộ dân; triển khai mô hình trồng ngô giống mới, trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc; trực tiếp hỗ trợ con giống, cây giống cho các hộ nghèo trong thôn. Bí thư Chi bộ thôn Cá Ha Sáng Thị Phòng phấn khởi cho biết: “Đến nay, tuyến đường vào thôn được đổ bê-tông, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện. Toàn bộ diện tích ngô trong thôn đã được trồng giống mới, cho năng suất cao. Người dân đã biết trồng cỏ trên sườn núi để làm thức ăn chăn nuôi, nhờ đó mà đàn bò, dê trong thôn phát triển tốt”.

Ở thôn Cá Ha, người tiên phong trong phát triển kinh tế phải kể đến gia đình anh Vần Chứ Páo. Anh Páo cho biết: “Sau khi được tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, lớp học nghề ngắn hạn chăn nuôi trâu bò, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng gần 100 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh để làm chuồng trại kiên cố, đầu tư trồng một héc-ta cỏ và mua con giống bò về nuôi vỗ béo rồi bán ra thị trường. Do đã được phổ biến kiến thức cho nên tôi đã biết kỹ thuật chăn nuôi vỗ béo bò đúng cách, biết ủ cỏ để làm nguồn thức ăn cho gia súc trong vụ đông. Thu nhập hằng năm từ chăn nuôi của gia đình lên đến hàng trăm triệu đồng”. Theo Chủ tịch UBND xã Sính Lủng, Lầu Mí Chơ, so với chục năm trước, cuộc sống của người dân Cơ Lao ở thôn Cá Ha có sự khác biệt hẳn, đời sống của người dân nâng lên, con em đến tuổi được đi học. Hiện nay, trong thôn đã có nhiều cháu theo học cấp ba ở tỉnh, huyện và có cháu đã đỗ đại học. Đây là niềm vui của bà con dân bản, chuyện mà trước đây chưa có.

Thôn Cháng Lộ, xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh là nơi có cộng đồng dân tộc Pu Péo sinh sống khá đông với gần 20 hộ và 100 nhân khẩu. Được hưởng các chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS rất ít người, cuộc sống của người dân nơi đây đã có sự thay đổi. Hiện nay, tuyến đường vào thôn đã được bê-tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Mỗi hộ dân được Nhà nước hỗ trợ một con bò cái sinh sản và xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi, nhà nào cũng được đầu tư xây dựng bể nước, nhà vệ sinh, nhà tắm; tất cả các hộ đã có xe máy, ti-vi và các vật dụng thiết yếu... Cộng đồng người Pu Péo còn được quan tâm phục dựng và duy trì các lễ hội, văn hóa truyền thống. Ông Chúng Vần Tờ, người có uy tín trong cộng đồng người Pu Péo ở thôn Cháng Lộ chia sẻ: “Đồng bào dân tộc Pu Péo biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Cuộc sống dù còn khó khăn nhưng các hộ trong thôn giờ cũng đủ cơm ăn, áo mặc và có điều kiện tiếp cận với các thông tin qua ti-vi, sách báo. Những nét văn hóa truyền thống của đồng bào được khôi phục để truyền dạy cho các thế hệ sau”.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Hà Giang được Trung ương hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Trong những năm qua, từ nguồn vốn được đầu tư, tỉnh đã xây dựng hơn một nghìn công trình giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng. Tỉnh đã có gần 170 nghìn hộ dân được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, cây và con giống phát triển kinh tế. Tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện thuộc Chương trình 30a bình quân từ 6% đến 7%/năm. Tính từ năm 2016 đến cuối năm 2019, Hà Giang giảm được hơn 25 nghìn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn hơn 26%.

Cộng đồng người Cơ Lao, Pu Péo hiện chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong 18 DTTS của tỉnh Hà Giang. Diện mạo của thôn Cá Ha, Cháng Lộ hôm nay là minh chứng khẳng định những chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo động lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS ở tỉnh cực bắc của Tổ quốc.

Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh Hoàng Đức Tiến đánh giá, các chính sách, chương trình hỗ trợ vùng đồng bào DTTS đang triển khai như: Chương trình 135, Chương trình 30a, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ ưu đãi vốn vay phát triển sản xuất, hỗ trợ gạo cho học sinh, hỗ trợ người có uy tín trong cộng đồng hay chính sách đặc thù dành cho các DTTS rất ít người... đã đem lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến đời sống của đồng bào các DTTS ở Hà Giang. Những hỗ trợ, đầu tư này cũng đã giải quyết cơ bản nhu cầu đi lại, khám bệnh, học hành, tạo điều kiện cho người dân giao thương hàng hóa, có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, tăng thu nhập, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.