Đổi thay ở Điện Biên Đông

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện nghèo Điện Biên Đông (Điện Biên) thu được kết quả đáng ghi nhận. Bộ mặt nông thôn đổi thay tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng được bảo đảm.

Người dân xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) góp công làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) góp công làm đường giao thông nông thôn.

Để chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự đổi thay trong chương trình NTM ở bản làng vùng cao, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông đưa chúng tôi về xã Mường Luân - xã tiêu biểu trong xây dựng NTM của huyện. Những năm trước, Mường Luân “có tiếng” là xã nghèo, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ người mắc tệ nạn xã hội cao. Toàn xã có hơn 890 hộ với tổng số hơn 4.110 nhân khẩu thì hộ nghèo chiếm hơn 60%; nhiều hộ phải ở nhà tạm, dột nát. Nhưng từ khi triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2017 - 2020, diện mạo NTM xã Mường Luân đã có chuyển biến rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 17,5 triệu đồng/người/năm; bình quân lương thực đạt 1.131 kg/người/năm (riêng thóc đạt 575 kg/người/năm).

Đi một vòng quanh các bản ở trung tâm xã, như: Mường Luân 1, Mường Luân 2, Mường Luân 3, Trung Tâm, Co Kham, Na Hát…, Chủ tịch UBND xã Mường Luân Lò Văn Sơn đi cùng chúng tôi, say sưa nói về thành quả phong trào xây dựng NTM của địa phương. Đó không chỉ là diện mạo mới cho mỗi con đường liên xã, liên bản hay là cảnh bản làng phong quang sạch đẹp, mà phong trào xây dựng NTM còn đem lại luồng khí thế mới cho mỗi người dân, nhất là đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú. Riêng trong năm 2018, sau sáu đợt tuyên truyền, kêu gọi cán bộ, đảng viên, nhân dân chung sức thực hiện tiêu chí môi trường, xã đã nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn người tham gia với tổng số 9.230 ngày công làm đường, dọn vệ sinh, trồng hoa, cây cảnh ven đường nội bản. Phong trào hiến đất có sức lan tỏa trong nhân dân, bắt đầu từ một vài gia đình ở bản Trung Tâm hiến đất làm đường liên bản và các công trình hạ tầng chung, nay nhiều hộ ở khắp các bản đều tự nguyện hiến đất. Điển hình như gia đình các ông Lò Văn Pọm, Lò Văn Lanh và Lò Văn Khến… đã hiến đất, ủng hộ thêm hàng chục triệu đồng làm đường, nhà văn hóa bản và sân vận động xã. Ông Lò Ngọc Ánh, người có uy tín ở bản Trung Tâm, xã Mường Luân chia sẻ, phong trào xây dựng NTM ở địa phương còn đem lại suy nghĩ và cách làm mới cho mỗi người dân nơi xã nghèo còn nhiều gian khó.

Khó khăn hơn Mường Luân bởi giao thông cách trở, địa hình đồi núi cao, đời sống người dân phụ thuộc hoàn toàn sản xuất nông, lâm nghiệp, cho nên thời điểm trước tháng 6-2018, xã Xa Dung mới đạt bốn trong số 19 tiêu chí NTM, gồm: giáo dục, y tế, quy hoạch và văn hóa. Được sự chỉ đạo của UBND huyện và Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện, giữa năm 2018, Xa Dung đã họp bàn và đưa ra quyết tâm: Xã thoát khỏi nhóm dưới năm tiêu chí vào cuối năm 2018. Thực hiện quyết tâm ấy, UBND xã Xa Dung tổ chức thêm nhiều buổi họp bàn, lựa chọn tiêu chí ưu tiên thực hiện theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Theo đó, hai tiêu chí được tập trung thực hiện là vệ sinh môi trường và phát triển chăn nuôi. Với tiêu chí vệ sinh môi trường, cấp ủy, chính quyền xã cùng các tổ chức thanh niên, phụ nữ… thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm; người dân không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới sàn nhà; làm nhà vệ sinh hợp lý, cách xa nhà ở. Xác định chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế lâu dài, xã phân công cán bộ, công chức phụ trách từng điểm bản để tuyên truyền, vận động nhân dân quan tâm chăn nuôi đàn gia súc; hướng dẫn bà con tuân thủ kỹ thuật nuôi, tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi. “Không phân biệt lãnh đạo hay cán bộ, đảng viên, không ưu tiên bản gần, bản xa, thực hiện nhiệm vụ vận động nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, mỗi tháng tôi trực tiếp về hai, ba bản thăm hỏi, động viên bà con tích cực chăn nuôi và chăm sóc vật nuôi. Nhà nào có trâu, bò mới sinh hay trâu, bò ốm, tôi đều nắm rõ”, Bí thư Đảng ủy xã Xa Dung Lầu Chứ Sính cho biết. Chỉ sau thời gian ngắn, đàn gia súc, gia cầm ở xã Xa Dung tăng đáng kể, với tổng số hơn 22.000 con. Xa Dung trở thành một trong những xã có đàn gia súc, gia cầm nhiều nhất huyện. Đến cuối năm 2018, xã đạt thêm hai tiêu chí NTM, đưa Xa Dung “thoát” nhóm xã nghèo dưới năm tiêu chí của huyện Điện Biên Đông.

Nói về kinh nghiệm triển khai chương trình NTM của huyện, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông Bùi Ngọc La chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện; đồng thời thành lập các tổ công tác giúp xã, trong mỗi tổ công tác đều phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cán bộ phụ trách các xã, nhất là các xã dưới năm tiêu chí. Tùy điều kiện từng xã, theo từng năm, Ban chỉ đạo xây dựng cụ thể nội dung, đề mục công việc của từng xã… Dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND huyện, các xã dưới năm tiêu chí đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, đoàn viên, hội viên tham gia tích cực phong trào xây dựng NTM. Đến hết năm 2018, toàn huyện đã có một xã đạt 15 tiêu chí NTM, một xã đạt chín tiêu chí, một xã đạt tám tiêu chí, chín xã đạt từ năm đến bảy tiêu chí; chỉ còn một xã dưới bốn tiêu chí là Tìa Dình. Giai đoạn 2019 - 2020, huyện Điện Biên Đông sẽ tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục khó khăn, hạn chế trong trong xây dựng NTM giai đoạn trước; đồng thời đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, huy động mọi nguồn lực triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.