Diện mạo mới vùng đồng bào DTTS ở Ðồng Phú

Những năm qua, cùng với các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Trung ương và tỉnh Bình Phước, huyện Ðồng Phú đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn hỗ trợ để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, số hộ nghèo là người DTTS giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố.

Tuyến đường số 3 kết nối huyện Ðồng Phú với các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống đang được khẩn trương thi công.
Tuyến đường số 3 kết nối huyện Ðồng Phú với các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống đang được khẩn trương thi công.

Huyện Ðồng Phú hiện có 4.603 hộ đồng bào DTTS, chiếm khoảng 21% số dân toàn huyện. Thời gian qua, huyện đã từng bước cụ thể hóa và vận dụng tốt các chính sách dân tộc của Ðảng, Nhà nước vào thực tiễn của địa phương và bước đầu đem lại hiệu quả khá rõ rệt. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, thực hiện tốt Chương trình 135, huyện đã đầu tư hơn 21,6 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, hạ tầng, hỗ trợ sản xuất tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; đầu tư xây dựng 12 km đường giao thông liên thôn; 6,614 km đường nhựa vào khu định canh, định cư với tổng kinh phí 10,8 tỷ đồng. Ðồng thời bàn giao đất định canh cho 128 hộ thụ hưởng với diện tích 70,72 ha; thực hiện dự án xen ghép hỗ trợ di dân cho đồng bào DTTS, huyện đã xây dựng 112 căn nhà, với kinh phí 5,2 tỷ đồng cho các hộ dân tại xã Ðồng Tâm và xã Tân Hưng…

Tại xã Thuận Phú cách đây hơn năm năm, cuộc sống của 54 hộ dân tại tổ 6, ấp Tân Phú, hết sức khó khăn. Cứ đến mùa mưa, người dân nơi đây lại gần như bị cô lập với bên ngoài vì không có cầu bắc qua suối để đi lại. Hơn nữa lại không có điện cho nên các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của bà con gặp rất nhiều khó khăn, việc học hành của con trẻ cũng vì thế mà bị hạn chế. Trước những khó khăn của người dân, huyện Ðồng Phú đã đầu tư nâng cấp tuyến đường chính vào ấp, nhiều tuyến đường được đổ bê-tông
kiên cố; xây dựng cầu bắc qua suối dài 120m với kinh phí hơn một tỷ đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa. Huyện cũng bố trí nguồn vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng kéo lưới điện quốc gia. Ðể nâng cao đời sống người dân, UBND huyện giao Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ dân vay 1,4 tỷ đồng để ổn định sản xuất, phát triển chăn nuôi. Ðồng thời tranh thủ vận động các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trao tặng sáu con bò giống, sáu ngôi nhà tình nghĩa cho các hộ đặc biệt khó khăn... Ông Chàm Sa, người có uy tín trong đồng bào Chăm ở ấp Tân Phú, phấn khởi cho biết: "Ðược Ðảng, Nhà nước các ngành chức năng quan tâm, đến nay cuộc sống của bà con có nhiều đổi mới, ai cũng có nhà ở, việc làm; tích cực tăng gia sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ðến nay, không còn hộ đói, hộ nghèo nữa, nhà nào cũng mua được ti-vi, xe máy, các thiết bị sinh hoạt cần thiết cho gia đình".

Ðược biết, thực hiện Quyết định số 33/2007/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư cho đồng bào DTTS, năm 2013, Ðồng Phú cũng đã hỗ trợ nhà ở, giao đất ở, đất sản xuất cho 61 hộ từ xã Thuận Lợi đến định cư tại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi. Ðể tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, từ các chính sách dân tộc, huyện hỗ trợ 53 con bò sinh sản, 39 bình xịt thuốc, máy phát cỏ cho người dân. Ngoài ra, huyện đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia với chiều dài hơn 11km, trị giá 4,4 tỷ đồng. Hoàn thiện hệ thống nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng trị giá hơn 600 triệu đồng. Ðầu tư trải nhựa 6,3 km trục đường chính vào khu định canh, định cư hơn 11 tỷ đồng từ nguồn vốn theo Quyết định số 33 của Chính phủ. Từ vốn sự nghiệp giao thông, huyện đã hoàn thiện đoạn đường kết nối các khu dân cư dài hơn 2 km, với kinh phí 5,4 tỷ đồng. Chị Thị Loan, khu 61 hộ ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi nhớ lại: "Trước đây gia đình tôi sinh sống tại xã Thuận Lợi. Cuộc sống của hai vợ chồng rất khó khăn, không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định, cả gia đình phải ở trong ngôi nhà tạm. Từ ngày chuyển về định cư tại ấp Thạch Màng, được Nhà nước cấp đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ đi cạo mủ cao-su cho nên cuộc sống đỡ vất vả hơn, con cái có điều kiện được đến trường học".

Phó Chủ tịch UBND huyện Ðồng Phú Nguyễn Thanh Phương cho biết: "Ðầu năm 2020, toàn huyện Ðồng Phú có 267 hộ nghèo, trong đó DTTS là 63 hộ; hộ cận nghèo là 243 hộ, DTTS là 79 hộ. Ðến cuối năm 2020, trên địa bàn huyện còn 105 hộ nghèo (giảm 164 hộ nghèo), trong đó hộ DTTS chỉ có chín hộ. Ðể công tác giảm nghèo thật sự có hiệu quả, ngay từ đầu năm, Huyện ủy, UBND huyện đã xác định công tác giảm hộ nghèo là nhiệm vụ quan trọng của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân trong huyện. Từ đó, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo rà soát, xác định các hộ nghèo cần đầu tư các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Ðồng thời thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về giáo dục - y tế. Ngoài ra, huyện chú trọng đến công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho con em đồng bào DTTS.

Bằng những chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo, công tác xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào DTTS ở Ðồng Phú đã trở thành một trong những điểm sáng của tỉnh Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung. Ðến nay, toàn huyện có 4.603 hộ đồng bào DTTS, trong đó chỉ có chín hộ nghèo, đây là một con số khá ấn tượng. Ðể có được kết quả này, ngoài việc chính quyền các cấp quan tâm đến công tác xóa nghèo thì ý thức tự vươn lên của đồng bào là một trong những yếu tố quyết định giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bài và ảnh: NHẤT SƠN