Dạy và học chữ Khmer ở Sóc Trăng

Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác dân tộc trong tình hình mới, thời gian qua, đời sống của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng luôn được các cấp chính quyền quan tâm chăm sóc. Trong đó, việc dạy và học chữ Khmer được chú trọng, góp phần bảo tồn chữ Khmer và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Lớp học chữ Khmer trong dịp hè tại một ngôi chùa ở Sóc Trăng.
Lớp học chữ Khmer trong dịp hè tại một ngôi chùa ở Sóc Trăng.

Đã ngoài 80 tuổi nhưng ngày nào Nhà giáo Nhân dân Lâm Es vẫn đến các trường hỗ trợ dạy và học chữ Khmer. Thầy Lâm Es phấn khởi nói, đồng bào Khmer ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ từ phát triển kinh tế gia đình đến việc dạy và học chữ Khmer.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Tuyết Hà cho biết, nhiều năm nay, chữ Khmer đã được đưa vào giảng dạy chính khóa ở các điểm trường có con em đồng bào Khmer theo học đông. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, ngành giáo dục - đào tạo đưa ngôn ngữ Khmer trở thành một môn học từ bậc tiểu học lên các bậc học cao hơn. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ lớp 1 đến lớp 5, học sinh được học chữ Khmer bốn tiết/tuần; từ lớp 6 đến lớp 12, học sinh được học hai tiết/tuần.

Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh Sóc Trăng có 152 trường, kể cả các trường phổ thông dân tộc nội trú có dạy tiếng Khmer, gồm 1.609 lớp, với 41.780 học sinh. Trong đó, tiểu học 108 trường với 1.224 lớp, có 30.092 trong tổng số 42.159 học sinh dân tộc Khmer học chữ Khmer, chiếm 71,37%, trung học cơ sở có 35 trường với 336 lớp, có 10.076 trong tổng số 19.673 học sinh dân tộc Khmer học tiếng chữ Khmer, chiếm 51,21%; trung học phổ thông có 9 trường, 49 lớp với 1.601 trong tổng số 4.520 học sinh học chữ Khmer, chiếm 35,42%. Về đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer, tỉnh có gần 400 giáo viên, bao gồm cả giáo viên kiêm nhiệm, trong đó có hơn 80% số giáo viên đạt chuẩn theo quy định.

Huyện Trần Đề có hơn 49% số dân là đồng bào Khmer, hiện có hơn 60 giáo viên dạy tiếng Khmer. Những giáo viên đảm nhận bộ môn này được hưởng thêm 50% lương. Chương trình bộ môn tiếng Khmer tương đối vừa sức và dễ học đối với học sinh. Phương pháp học tập chủ yếu là đọc, viết, ghi chép. Mặc dù bố trí bốn tiết/tuần nhưng các em đều tiếp thu tốt. Bên cạnh đó, trường cũng tăng cường các buổi học bồi dưỡng. Nhờ vậy, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hay tốt nghiệp trung học cơ sở đều có thể viết được chữ Khmer.

Ngoài những tiết học chữ Khmer ở các trường phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, hằng năm hầu hết các chùa Khmer ở Sóc Trăng đều mở lớp dạy chữ Khmer cho sư sãi và con em đồng bào phum sóc. Dịp hè năm 2019, toàn tỉnh Sóc Trăng có 80 trong số 92 chùa Khmer mở lớp dạy chữ Khmer. Đây là hoạt động đã có từ lâu và mang ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, văn hóa Khmer; đồng thời, giúp các học sinh ở vùng nông thôn có kỳ nghỉ hè thật sự vui tươi và bổ ích.

Thị xã Vĩnh Châu có hơn 50% số dân là đồng bào Khmer và là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất của tỉnh Sóc Trăng. Vĩnh Châu hiện có hơn 20 chùa Khmer. Mỗi năm hè về là các ngôi chùa này mở lớp dạy chữ với hàng nghìn em theo học. Chùa Sala Pôthi ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu là một trong những ngôi chùa mở lớp dạy chữ Khmer từ rất sớm. Lớp học bắt đầu từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút, từ thứ hai đến thứ bảy, với 235 em từ sáu đến 15 tuổi theo học. Tham gia dạy chữ là sáu vị sư tu học tại chùa và đã trải qua các lớp đào tạo tại Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ Sóc Trăng.

Em Tăng Thị Đi Na ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu cho biết, năm nay em học lớp 8, trong trường có dạy chữ Khmer, nhưng dịp hè em vẫn vào chùa để học khoảng hai tháng. Các kiến thức mà các sư truyền dạy sẽ giúp em hoàn thiện môn học tiếng Khmer ở trường. Em ước mơ trở thành người lồng tiếng và phiên dịch tiếng Khmer. Còn em Châu Thị Sô Đa đã có chín năm theo học chữ Khmer. Đến nay, Sô Đa không chỉ biết đọc, biết viết mà đã lên lớp học cao hơn các bạn cùng trang lứa là học tiếng Pa-li. “Đối với bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, thế hệ trẻ như em phải tiếp nhận, gìn giữ và phát triển nhiều hơn. Trong đó điều quan trọng nhất với em là tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình”- Sô Đa chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ Lâm Nhưng cho biết, trường được thành lập từ năm 1994. Đến nay, trường đã đào tạo được hơn 1.125 học viên, từ lớp 6 đến lớp 12. Hằng năm, trường thông báo tuyển sinh đầu vào là 70 học viên lớp 6 và lớp 10. Các học viên khi được xét tuyển vào trường đều được hưởng chế độ theo chính sách của Đảng, Nhà nước như học sinh dân tộc nội trú. Học viên tốt nghiệp được cấp các bằng trung cấp Pa-li, giấy chứng nhận lớp 12 tiếng Khmer...

Theo Hòa thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chùa được xây dựng, trùng tu lại khang trang hơn. Toàn tỉnh hiện có hơn 85% số ngôi chùa được xây dựng, sửa chữa lại. Trong chùa, việc dạy chữ Khmer luôn được duy trì, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thúc đẩy nâng cao dân trí, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của sư sãi và đồng bào phật tử Khmer trong tỉnh.