Đẩy mạnh phát triển vùng trồng và chế biến cây dược liệu

Huyện miền núi Ba Chẽ (Quảng Ninh) có gần 60 ha đất rừng, là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển ngành lâm nghiệp, trồng và chế biến dược liệu. Nhờ bảo tồn, phát triển và mở rộng diện tích trồng các loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Chăm sóc vườn ươm trà hoa vàng tại Công ty cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh.
Chăm sóc vườn ươm trà hoa vàng tại Công ty cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh.

Nhằm bảo tồn và phát huy tiềm năng của các loại cây dược liệu có thế mạnh, những năm qua, huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ giống, vốn, cùng các ưu đãi đến các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn huyện có bốn doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 800 hộ dân tham gia trồng và chế biến dược liệu. Tổng diện tích trồng dược liệu của huyện hiện đạt gần 900 ha bao gồm các loại dược liệu quý như: ba kích, trà hoa vàng, cát sâm, đẳng sâm, sâm cau đỏ, quế, với sản lượng bình quân đạt gần 115 tấn dược liệu các loại/năm.

Gia đình anh Tô Văn Hiền, ở khu 7, thị trấn Ba Chẽ là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia chương trình phát triển cây dược liệu trà hoa vàng của địa phương. Anh được huyện hỗ trợ tiền mua cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, anh Hiền đã trồng được hơn bốn nghìn gốc trà hoa vàng với tổng diện tích gần 2 ha. Anh Hiền chia sẻ, từ khi tham gia chương trình phát triển cây trà hoa vàng đến nay, cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định; có thu nhập, chất lượng đời sống được nâng lên. Mong muốn của anh và các hộ gia đình trong huyện là chính quyền, các doanh nghiệp sớm có giải pháp tiêu thụ sản phẩm ổn định để người dân yên tâm phát triển sản xuất. Đến nay, toàn huyện Ba Chẽ có gần 200 hộ tham gia vào dự án trồng trà hoa vàng tập trung, đưa tổng diện tích trồng trà lên đến 146 ha. Trà hoa vàng được trồng nhiều nhất ở hai xã Thanh Sơn và Đồn Đạc với diện tích khoảng 80 ha. Việc phát triển và nhân rộng cây trà hoa vàng đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều gia đình, giúp các hộ dân ổn định kinh tế sau khi thoát nghèo. Đáng chú ý, nhiều hộ đã hình thành được vùng trồng, chế biến trà hoa vàng theo chuỗi và có quy mô lớn.

Giám đốc Công ty Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh Nịnh Văn Trắng là người đi đầu trong việc khôi phục và phát triển cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Anh Trắng không quản ngại khó khăn, đến từng hộ dân tuyên truyền để mọi người hiểu giá trị của cây trà hoa vàng, cần được bảo tồn và phát triển giống dược liệu quý này. Hiện nay, từ trồng và chế biến, tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng, hằng năm, Công ty của anh Trắng đạt doanh thu hàng tỷ đồng. Từ đó, anh Trắng đầu tư thêm máy móc, thiết bị, hoàn thiện quy trình sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; hiện cơ sở của anh đã sản xuất được hai sản phẩm: Trà hoa vàng túi lọc dạng hoa và trà hoa vàng túi lọc dạng lá. Sắp tới, anh dự định tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm để tiếp cận các siêu thị lớn và xuất khẩu.

Xác định rõ tiềm năng và giá trị kinh tế từ cây trà hoa vàng, từ năm 2015, huyện Ba Chẽ bắt đầu quy hoạch vùng trồng dược liệu trà hoa vàng. Đồng thời xây dựng Đề án Bảo tồn và Phát triển một số loài dược liệu quý trên địa bàn đến năm 2020, định hướng năm 2030, trong đó có cây trà hoa vàng. Với mục tiêu này, hằng năm, huyện đều khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia và nhân rộng mô hình trồng trà hoa vàng thông qua các dự án phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình Phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (135). Huyện cũng tích cực kêu gọi, thu hút, vận dụng cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển, chế biến dược liệu trà hoa vàng. Hiện đã có một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Đầu tư Kỷ Tâm than Hà Tu; Công ty cổ phần Dược, Vật tư y tế Quảng Ninh xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu trên địa bàn huyện, trong đó có trà hoa vàng với quy mô hơn 200 ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Thị Vỹ cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng vùng trồng cây dược liệu, trong đó, trà hoa vàng được xác định là cây chủ lực của địa phương. Bên cạnh việc khuyến khích các hộ dân tham gia mở rộng diện tích trồng thì huyện cũng sẽ kêu gọi, có những cơ chế thu hút thêm những doanh nghiệp tiềm năng đầu tư trồng, sản xuất, chế biến trà hoa vàng. Đồng thời, tiếp tục quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường và đầu ra cho sản phẩm thông qua lễ hội trà hoa vàng được tổ chức hằng năm.

Ngoài việc phát triển vùng trồng cây nguyên liệu, huyện Ba Chẽ tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến một số loại cây dược liệu thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Huyện đã ưu tiên dành nguồn ngân sách lớn hỗ trợ các đơn vị chế biến dược liệu trên địa bàn về khoa học - công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Trong đó, hỗ trợ hơn 100 triệu đồng trang bị máy sấy, máy đóng gói và giao quản lý khu ươm giống cây trà hoa vàng cho Công ty cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh; hỗ trợ Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ lâm sản ngoài gỗ Ba Chẽ một máy sấy trị giá 40 triệu đồng… Nhờ đó, nhiều sản phẩm dược liệu của huyện tham gia chương trình OCOP của tỉnh đã được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Hiện trà hoa vàng là một trong nhiều sản phẩm dược liệu của huyện Ba Chẽ đạt tiêu chuẩn 5 sao, đứng trên cả sản phẩm rượu ba kích và ba kích khô chỉ đạt bốn và ba sao.

Nguồn tài nguyên rừng của Ba Chẽ được đánh giá là độc đáo, mức độ đặc hữu cao, còn chưa khám phá hết. Theo kết quả thống kê, trong tổng số 1.027 loài thực vật ở Ba Chẽ, có tới 30 loài dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để huyện Ba Chẽ tiếp tục tập trung ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc phát triển các sản phẩm từ cây dược liệu quý. Đồng thời, chú trọng phát triển sản xuất an toàn, từng bước đem lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.