Gương điển hình

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Xã Tân Dương, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) hiện đạt sản lượng lương thực hơn 3.200 tấn/năm, nâng mức bình quân lương thực mỗi nhân khẩu lên hơn 800 kg/năm. Đất chỉ cấy một vụ lúa trên 150 ha, nay nhờ có máy móc đưa vào sản xuất cho nên đã tăng thêm hơn 100 ha.
Người dân huyện miền núi Định Hóa sử dụng máy nông nghiệp gặt lúa liên hoàn và làm đất.
Người dân huyện miền núi Định Hóa sử dụng máy nông nghiệp gặt lúa liên hoàn và làm đất.

Nơi đây đã thâm canh ổn định ba vụ cây trồng trong năm. Cùng với việc luân canh, tăng vụ, xã đã đưa vào gieo cấy hơn 70% diện tích bằng các giống lúa lai, cho năng suất cao (từ 53 đến 55 tạ/ha). Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dương Nông Thị Phương Sao cho biết: “Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, cây trồng được chăm sóc tốt hơn và sức người cũng được giải phóng để tăng gia thêm nhiều loại hình trong chăn nuôi, trồng trọt và làm dịch vụ. Đến nay, toàn xã đã có hơn 100 chiếc máy cày. Vào vụ, cả xã chỉ mất từ hai đến ba ngày là xong khâu làm đất, vì vậy hơn 90% diện tích của hơn 240 ha đất được máy móc tham gia trực tiếp trong các khâu trồng, thu hoạch lúa, cây màu… Tỷ lệ hộ nghèo theo đó cũng giảm dần, từ 25% năm 2010 xuống còn 10% hiện nay”.

Nói về lợi ích máy cày mang lại, ông Hoàng Văn Nghiệp, ở xóm 6, xã Tân Dương chia sẻ: “Nhà tôi có bảy nhân khẩu, chỉ có hơn 2 mẫu ruộng, trước đây, cả gia đình làm cật lực cũng chỉ đủ ăn trong vòng tám tháng, mọi người chỉ lo ăn qua ngày, đợi vụ mới. Sau khi mạnh dạn đầu tư gần trăm triệu đồng mua chiếc máy cày về, cứ thu hoạch đến đâu làm đất trồng vụ mới đến đó, đất không có thời gian nghỉ, cho nên một năm gia đình làm ba vụ (hai vụ lúa, một vụ ngô xen canh rau màu). Đến nay, mỗi năm thu hơn 15 triệu đồng trên diện tích hơn hai mẫu ruộng, tăng gấp hai lần so với trước. Chủ động trong khâu làm đất, hằng ngày chiếc máy cày lên bờ, gia đình ông Nghiệp lại gắn thùng kéo vào để làm thêm dịch vụ cung ứng cám, thức ăn gia súc, gia cầm, kinh doanh vật liệu xây dựng, vận chuyển hàng hóa cho người dân trong vùng, cho nên kinh tế gia đình dần ổn định. Không chỉ gia đình ông Nghiệp, toàn xã Tân Dương hiện đã có gần 50 hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số đã biết kết hợp dùng máy cày vào các công việc chế biến, vận chuyển, tích hợp làm nông cụ khác giúp giải phóng sức lao động thủ công, nâng cao hiệu quả lao động.

ĐỂ việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông, lâm nghiệp đạt hiệu quả cao, 5 năm qua, xã Tân Dương đã vận động người dân hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, đóng góp công lao động, tiền, vật tư xây dựng trị giá hàng tỷ đồng cứng hóa gần 10 km đường bê-tông liên xóm, liên xã, đủ hai làn máy kéo, máy cày lưu thông, vận chuyển nông, lâm sản thuận tiện. Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Dương Nguyễn Xuân Mạnh cho biết: Toàn xã hiện đã có gần 100 ha đất trồng ba loại cây vụ đông xen canh trên một diện tích góp phần nâng giá trị thu nhập trên một héc-ta đất lên hơn 85 triệu đồng/năm. Với các sản phẩm bí, ngô nếp, dưa chuột hiện đã được một số gia đình kinh doanh trên trang mạng điện tử, tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ra ngoài tỉnh Thái Nguyên. Đây là những tín hiệu mới chuẩn bị cho một quy trình sản xuất hàng hóa công nghiệp khép kín theo các tiêu chuẩn hàng hóa.