Chú trọng nguồn nhân lực

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số (DTTS). Thực tiễn và yêu cầu phát triển của nhiều vùng, nhiều địa phương cũng đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu trong phát triển toàn diện nguồn nhân lực các DTTS.

Theo thống kê, về mặt giáo dục và dạy nghề, đến nay, số sinh viên DTTS đạt 145 sinh viên/chục nghìn dân (người DTTS); tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến rõ rệt... Nhiều tỉnh đã coi trọng đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo cho con em đồng bào DTTS. Thí dụ, hằng năm, tỉnh Kiên Giang hỗ trợ gần 600 triệu đồng để mua sách giáo khoa tiếng Khmer và hỗ trợ kinh phí để giáo viên dạy chữ cho con em đồng bào Khmer. Tỉnh đã thành lập sáu trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm thu hút, tạo điều kiện để học sinh DTTS học tập. Từ đó, tỷ lệ huy động trẻ là DTTS ở Kiên Giang trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng, đạt 97% vào năm 2020.

Các địa phương có đông đồng bào DTTS đã và đang giải quyết vấn đề này, tuy nhiên hiệu quả khác nhau. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ học sinh người DTTS đi học đúng độ tuổi chưa cao. Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề còn thấp.

Nhu cầu thị trường lao động hiện tại và tương lai đòi hỏi xây dựng đội ngũ trí thức, doanh nhân, cán bộ người DTTS và lao động trực tiếp có chất lượng. Mặc dù vậy, chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có một bộ phận nhân lực lãnh đạo, quản lý, ở nhiều địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Thực tế đó đòi hỏi các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác này. Về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, cần coi trọng phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, nghề trọng điểm theo các cấp độ; tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh và mở rộng tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đồng bào DTTS, nhất là phụ nữ; ưu tiên các DTTS có nguồn nhân lực còn hạn chế; tăng tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Ðồng thời, tập trung đầu tư, mở rộng các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện nghèo; phát triển đội ngũ giáo viên người DTTS; nâng mức học bổng học sinh dân tộc nội trú và định mức hỗ trợ học sinh bán trú phù hợp điều kiện thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; phấn đấu tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng tuổi gần với mức bình quân của cả nước ở tất cả các cấp học...