Bắc Cạn quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, tỉnh Bắc Cạn luôn quan tâm, chú trọng thực hiện chính sách dân tộc.
Lớp học chữ Nôm Dao của thanh niên dân tộc Dao ở xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn). Ảnh: ANH SƠN
Lớp học chữ Nôm Dao của thanh niên dân tộc Dao ở xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn). Ảnh: ANH SƠN

Nhiều chính sách đã được tỉnh thực hiện công khai, đồng bộ, đúng đối tượng, mục tiêu và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; cụ thể, trong 5 năm qua, từ nguồn vốn Chương trình 135 tỉnh đã đầu tư hơn 655 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ trực tiếp cho 24.973 hộ nghèo mua giống cây trồng, vật nuôi, máy móc phục vụ sản xuất và chế biến; 2.965 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn với số tiền hơn 23 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách...

Nhờ đầu tư bài bản, 100% số xã của tỉnh có đường ô-tô đến được trung tâm; 100% số xã có điện lưới quốc gia; 97,28% hộ dân được sử dụng điện; hơn 60% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, hội trường đa năng… Tỉnh Bắc Cạn có hai xã và 36 thôn ra khỏi diện đầu tư Chương trình 135; huyện Ba Bể ra khỏi diện hưởng chính sách Chương trình 30a; tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 21%; 15 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2019-2024, tỉnh tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người dân tộc thiểu số… Bắc Cạn đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 2 đến 2,5% tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 50%, tạo việc làm cho 6.000 người/năm; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới tại các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, phấn đấu bình quân đạt 14,5 tiêu chí/xã.

* Tỉnh Vĩnh Long là địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung, tiêu chí của phong trào đến từng hộ dân, trong đó chú trọng phát huy vai trò gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu; biểu dương kịp thời những gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc vận động người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các vấn đề theo hướng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Việc bình xét các danh hiệu văn hóa phải bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, huy động tốt nguồn lực của toàn xã hội tham gia các hoạt động trong xây dựng đời sống văn hóa.

Đến cuối tháng 9-2019, toàn tỉnh có 96,5% hộ gia đình, 96,3% số ấp (khóm, khu phố) đạt chuẩn văn hóa; 63,8% số xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 46,7% số phường, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 50,5% số xã và một thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 1.220 câu lạc bộ, điểm tập thể thao ở cơ sở, 909 đội, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ.