Ðầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển bền vững

Năm 2020 được coi là tiền đề cho giai đoạn mới trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN).

Ðầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển bền vững

Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đồng chí ÐỖ VĂN CHIẾN, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (TRONG ẢNH) chia sẻ với Báo Nhân Dân về những nội dung quan trọng nhất, thể hiện sự đổi mới về chính sách dân tộc trong Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030, cũng như kế hoạch triển khai của ỦY BAN DÂN TỘC. Ðây là sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với đồng bào các DTTS và MN mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và MN.

PV: Trong những năm qua, kinh tế vùng đồng bào DTTS và MN ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, bảo đảm an sinh xã hội. Xin đồng chí đánh giá khái quát về những kết quả đạt được, cũng như nêu ra những khó khăn, thách thức trong vùng đồng bào DTTS và MN?

Bộ trưởng Ðỗ Văn Chiến: Trong những năm qua, các địa phương vùng đồng bào DTTS và MN đều đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân các tỉnh vùng Tây Bắc tăng 8,4%, các tỉnh vùng Tây Nguyên tăng 8,1%, các tỉnh vùng Tây Nam Bộ tăng 7,3%/năm. Cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Dần hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, hàng hóa: cà-phê, chè, cao-su, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ...

Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và MN từng bước được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng vùng, từng khu vực: 98,4% số xã có đường ô-tô đến trung tâm; hơn 98% số hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% số xã vùng DTTS và MN có trường mầm non, trường tiểu học, THCS đáp ứng nhu cầu học tập của con em người DTTS; 99,3% số xã có trạm y tế, trong đó khoảng 70% số xã có bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhân dân; hơn 90% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% số xã đã có điện thoại cố định và di động, cung cấp các dịch vụ viễn thông và in-tơ-nét. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện 30a, các xã đặc biệt khó khăn giảm 3% - 4%/năm, có nơi giảm hơn 5%; các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống đã có hơn 90% số dân được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS và MN hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đời sống của bà con các dân tộc còn nhiều vất vả, thiếu việc làm, thu nhập thấp; thiên tai, dịch bệnh xảy ra bất thường; chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; tỷ lệ trẻ em bỏ học còn cao; một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được đẩy lùi… Nhu cầu về cơ sở hạ tầng lớn trong khi nguồn lực thực hiện chính sách còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, dẫn đến việc một số chính sách được ban hành nhưng không được phân bổ vốn để thực hiện. Với việc ban hành và triển khai những quyết sách lớn về chính sách dân tộc, trong đó có thể kể đến Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 -2030, thời gian tới, những khó khăn, vướng mắc nêu trên, nhất là những khó khăn, vướng mắc mang tính chủ quan, sẽ cơ bản được giải quyết triệt để.

PV: Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030 được đánh giá sẽ góp phần củng cố niềm tin trong đồng bào các dân tộc, vào sự tự vượt khó, vươn lên thoát nghèo, vào nội lực, ý thức tự lực tự cường của bản thân mình. Ðồng chí có thể cho biết Ðề án này có mục tiêu tổng quát và thể hiện sự đổi mới căn bản, toàn diện như thế nào về chính sách dân tộc?

Bộ trưởng Ðỗ Văn Chiến: Ngày 18-11-2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030. Ðồng bào các dân tộc thuộc diện thụ hưởng Ðề án sẽ được hỗ trợ những điều kiện cần thiết nhất để biến niềm tin đó thành sự thật, đó là: được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; được hỗ trợ giải quyết những nhu cầu bức thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; được hỗ trợ về giáo dục, y tế; được hỗ trợ đào tạo nghề hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số; được hỗ trợ bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc...

Sự đổi mới căn bản, toàn diện của Ðề án thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS và MN; Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển vùng đồng bào DTTS và MN, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết của đồng bào; Nguồn lực Nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định; Tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa và xã hội hóa nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN; Ðầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; Tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; Phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc, bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư. Ðiểm đổi mới căn bản về chính sách dân tộc trong Ðề án thể hiện qua việc xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN. Hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được xác định bảo đảm yếu tố khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn của vùng đồng bào DTTS và MN.

PV: Sau khi rà soát, có đến 118 chính sách cho vùng DTTS và MN, nhưng lại không tập trung, mà nằm rải rác ở các lĩnh vực, bộ, ngành, chương trình... Chính vì vậy, Ðề án đã tích hợp những chính sách này để trở thành một Chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư phát triển bền vững cho đồng bào DTTS và MN. Vậy, đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Bộ trưởng Ðỗ Văn Chiến: Ðề án được phê duyệt nhằm khắc phục những hạn chế dàn trải, manh mún trong triển khai các chính sách cho vùng DTTS và MN, theo hướng tích hợp các chính sách, xác định địa bàn ưu tiên để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời tập trung vào những nội dung cốt lõi, căn bản để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và MN. Ðây là một điểm đổi mới quan trọng của chính sách dân tộc và nội dung này được thực hiện qua tám nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó có rà soát, sửa đổi, bổ sung và tích hợp hệ thống chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN để thực hiện trong giai đoạn 2021- 2030, bao gồm 10 dự án chủ yếu. Làm được điều này chắc chắn những hạn chế trong triển khai các chính sách cho vùng DTTS và MN sẽ cơ bản được khắc phục trong giai đoạn tới.

PV: Năm 2020 được coi là tiền đề cho giai đoạn mới trong phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN. Ủy ban Dân tộc có những kế hoạch thực hiện và chương trình triển khai như thế nào để Nghị quyết nêu trên sớm đi vào cuộc sống, thưa đồng chí?

Bộ trưởng Ðỗ Văn Chiến: Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội. Theo đó, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đạt được các mục tiêu của Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030 đã được Quốc hội phê duyệt. Cụ thể hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về chính sách dân tộc theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới. Bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán của Chính phủ trong chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 88/2019/QH14.

Xác định rõ nhiệm vụ của các ngành, các cấp; giao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ được giao. Hiện nay, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để tổng hợp, báo cáo Chính phủ đúng thời hạn quy định. Với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, không chỉ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 nhanh chóng mà hy vọng Ðề án cũng sớm phát huy hiệu quả.

PV: Nhân dịp Tết đến, Xuân về, trên cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đồng chí có điều gì nhắn nhủ với đội ngũ những người làm công tác dân tộc và đồng bào các DTTS?

Bộ trưởng Ðỗ Văn Chiến: Công tác dân tộc hiện nay có nhiều thuận lợi nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít khó khăn. Ðiều đó đòi hỏi những người làm công tác dân tộc phải nỗ lực hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn trở ngại, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và MN, "không để ai bị bỏ lại phía sau". Tôi tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương sẽ đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên; tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc đã có hiệu lực. Nỗ lực đưa các quyết sách của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân tộc được ban hành trong năm 2019 sớm đi vào cuộc sống.

Ðồng thời, tôi mong muốn đồng bào các dân tộc khắc phục mọi khó khăn, phát huy nội lực, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng: "Tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS...". Mừng Ðảng quang vinh, mừng Xuân Canh Tý, tôi xin chúc đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước: Dồi dào sức khỏe, thật nhiều niềm vui, tràn đầy hạnh phúc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!