Ðắk Lắk tăng cường phòng, chống dịch bệnh bạch hầu

Hiện nay, dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp ở bốn tỉnh Tây Nguyên gồm Ðắk Nông, Ðắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum với 120 trường hợp mắc bệnh, trong đó đã có ba người chết. Ngành y tế cùng Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Ðắk Lắk đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bạch hầu, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực biên giới. 

Ngành y tế tỉnh Ðắk Lắk tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân ở xã vùng sâu Cư Pui, huyện Kông Bông.
Ngành y tế tỉnh Ðắk Lắk tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân ở xã vùng sâu Cư Pui, huyện Kông Bông.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ðắk Lắk, bác sĩ Nay Phi La cho biết, trường hợp mắc bệnh bạch hầu đầu tiên ở Ðắk Lắk trong năm 2020 là bà H Buôn Jê, sinh năm 1968, dân tộc Mnông, trú tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh này, ngành y tế tỉnh đã khoanh vùng, thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị dự phòng bệnh bạch hầu cho các trường hợp tiếp xúc gần, phun hóa chất xử lý môi trường, khử khuẩn cho tất cả các hộ dân trong buôn và thực hiện các quy định về phòng, chống bệnh bạch hầu tại địa phương. Tuy nhiên, đến nay, dịch bạch hầu trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Những ngày qua, ngành y tế tỉnh liên tiếp ghi nhận các ca mắc bạch hầu mới tại nhiều địa phương.Tính từ ngày 25-7, toàn tỉnh ghi nhận 24 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại năm huyện gồm: Lắk, M’Ðrắk, Krông Bông, Cư M’gar và Cư Kuin. Các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Do đời sống còn nhiều khó khăn, người dân chưa quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường sống, trong khi tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh bạch hầu rất thấp. Do đó, nguy cơ dịch lây lan rộng trong cộng đồng là rất cao.

Ðến nay, đã có 8.580 trường hợp được cách ly, 1.977 hộ gia đình được xử lý hóa chất; 4.314 trường hợp được uống kháng sinh dự phòng, 6.550 trường hợp được tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu. Ngành y tế tỉnh cũng đã lấy tổng cộng 138 mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm. Ðồng thời, triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống cho các địa phương có trường hợp dương tính với bạch hầu; chuẩn bị tiêm vắc-xin Td cho 7.500 cán bộ, nhân viên y tế (cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân), sau đó sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống bạch hầu trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu cho các đơn vị y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng và tử vong.

Chủ động phòng, chống dịch vùng biên giới

Trước diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu tại một số tỉnh Tây Nguyên nói chung và Ðắk Lắk nói riêng, ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh, BÐBP tỉnh Ðắk Lắk phối hợp ngành y tế chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng bệnh từ xa với quyết tâm "Không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn khu vực biên giới và đơn vị". Khu vực biên giới tỉnh Ðắk Lắk gồm bốn xã thuộc hai huyện: Buôn Ðôn và Ea Súp, nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng thấp do nhận thức người dân và điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế. Chính vì thế, đây là địa bàn được xem là "vùng lõm" trong tiêm chủng, một trong những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch bệnh. Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Ðắk Lắk, Thượng tá Nguyễn Minh Tuyên, cho biết: Nhằm chủ động phòng bệnh bạch hầu trên khu vực biên giới, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động đóng quân trên địa bàn biên giới phối hợp ngành y tế địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về nguyên nhân dịch bệnh, đường lây truyền và các biện pháp phòng, chống, nhất là khuyến cáo người dân không đi đến vùng đang có dịch; phối hợp địa phương rà soát các đối tượng trong diện tiêm chủng, thông báo thời gian, địa điểm, nội dung tiêm chủng qua hệ thống truyền thanh cơ sở, hoặc thông báo trực tiếp đến các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng để thực hiện tiêm đầy đủ, đúng lịch.

Ngoài ra, để kịp thời trao đổi thông tin về bệnh bạch hầu cũng như đưa ra giải pháp xử lý kịp thời, Phòng Hậu cần BÐBP tỉnh Ðắk Lắk đã thiết lập trang Zalo "QYBÐBP Ðắk Lắk". Qua đó, cán bộ, chiến sĩ và quân y các đơn vị cùng người dân trực tiếp theo dõi tình hình dịch bệnh và chủ động có biện pháp phòng, chống; cung cấp tài liệu tập huấn cho lực lượng quân y về công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe. Trong trường hợp phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, sẽ tiến hành cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để nếu phát hiện ca bệnh, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Chủ nhiệm Quân y BÐBP tỉnh Ðắk Lắk, Thượng tá Âu Chiến Thắng khuyến cáo người dân không nên chủ quan với bệnh bạch hầu vì căn bệnh này chưa được thanh toán, vi khuẩn vẫn lưu hành khá rộng rãi, đặc biệt người lành mang trùng vẫn là nguồn lây trong cộng đồng. Vì vậy, để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu ở trẻ em, ngành y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị
kịp thời.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên về công tác phòng, chống dịch bạch hầu mới đây, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Ðắk Lắk nói riêng chú trọng tập trung mọi nguồn lực phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Thứ trưởng cũng đề nghị các bệnh viện tuyến trên được phân công hỗ trợ các tỉnh phòng, chống dịch bạch hầu cần tăng cường tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh từ khâu phòng, chống dịch đến việc khám, điều trị bệnh; cần lập hệ thống khám, chữa bệnh trực tuyến để trao đổi, hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Ðồng thời cập nhật phác đồ điều trị bệnh bạch hầu mới nhất, phù hợp với khu vực Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế trong khu vực khám, điều trị bệnh bạch hầu một cách hiệu quả nhất.