Ðại biểu của dân phát huy vai trò giám sát

Bình Phước là tỉnh có 40 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc ít người (DTTS) chiếm khoảng 20% số dân của tỉnh. Ðể những chính sách dân tộc của Trung ương và địa phương kịp thời đến với người dân, Ban Dân tộc HÐND tỉnh Bình Phước đã chủ động xây dựng nhiều chương trình giám sát, khảo sát có hiệu quả. Qua đó, kịp thời kiến nghị giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Bình Phước giúp hộ dân vùng đồng bào DTTS phát triển chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Bình Phước giúp hộ dân vùng đồng bào DTTS phát triển chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.

Đồng bào DTTS cư trú đan xen trên địa bàn toàn tỉnh Bình Phước và tập trung chủ yếu ở vùng giáp ranh các tỉnh Tây Nguyên, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái. Phát huy vai trò giám sát, Ban Dân tộc HÐND tỉnh đã đề xuất Thường trực HÐND tỉnh để trình HÐND tỉnh xây dựng nhiều chương trình giám sát liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc tại địa phương. Qua các đợt giám sát, nhận thức của các cơ quan chịu sự giám sát về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều nội dung kiến nghị sau giám sát của ban được UBND tỉnh, sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố ghi nhận, tiếp thu và tổ chức thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình, dự án liên quan đến đồng bào DTTS.

Trưởng Ban Dân tộc HÐND tỉnh Ðiểu Ðiều cho biết, trong 5 năm qua, Ban Dân tộc HÐND tỉnh đã tổ chức giám sát, khảo sát các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về định canh, định cư, đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế… cho đồng bào DTTS. Trong đó, chú trọng việc giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động; chính sách giảm nghèo; chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất; quản lý đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Ðồng thời, tổ chức thẩm tra các báo cáo kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh liên quan đến lĩnh vực dân tộc do UBND tỉnh trình tại các kỳ họp HÐND tỉnh. Qua thẩm tra, nhiều kiến nghị của Ban tại các báo cáo thẩm tra đã được UBND tỉnh tiếp thu và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả hơn công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Ðơn cử như thẩm tra: Quy định về chính sách, hỗ trợ đặc thù đối với già làng, người có uy tín; chính sách hỗ trợ đặc thù đẩy mạnh giảm nghèo bền vững và sinh viên người DTTS trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong quá trình giám sát, khảo sát từ thực tế, Ban Dân tộc HÐND tỉnh nhận thấy còn một số bất cập, hạn chế như: nguồn vốn của Trung ương phân bổ chậm, chưa bảo đảm so với kế hoạch phê duyệt; một số chính sách đã ban hành, nhưng chưa được bố trí vốn để triển khai thực hiện. Ðối với nguồn vốn của tỉnh đối ứng còn chậm, chưa bố trí được vốn hỗ trợ thêm ngoài mức hỗ trợ của Trung ương; một số chính sách hỗ trợ đặc thù theo Nghị quyết của HÐND tỉnh, thực hiện còn chậm chưa đúng thời gian quy định. Việc quy hoạch quỹ đất để thực hiện các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở gặp nhiều khó khăn, một số địa phương không còn quỹ đất để hỗ trợ. Tổng số hộ đồng bào DTTS thoát nghèo hằng năm tăng cao, nhưng tỷ lệ hộ tái nghèo vẫn còn xảy ra. Công tác quản lý hộ nghèo một số nơi chưa chặt chẽ, chế độ thông tin, báo cáo chưa đầy đủ đôi lúc còn chậm trễ, việc thực hiện các giải pháp thoát nghèo bền vững còn hạn chế; cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo cấp xã thường xuyên thay đổi, do đó không bắt kịp với yêu cầu nhiệm vụ. Công tác quản lý đất đai trong vùng đồng bào DTTS còn nhiều bất cập, nhất là việc giải quyết tình trạng bán điều non, cầm cố đất chưa triệt để; tình trạng sang nhượng đất thuộc chương trình, chính sách vẫn còn xảy ra.

Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc HÐND tỉnh tham mưu Thường trực HÐND tỉnh Bình Phước đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thường xuyên rà soát để nắm tình hình các đối tượng thụ hưởng chính sách để bổ sung hoặc loại bỏ cho kịp thời, phù hợp; bố trí nguồn lực để tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang triển khai. Quan tâm chỉ đạo UBND các xã, phường nắm tình hình đồng bào thực hiện các hoạt động giao dịch với ngân hàng hoặc hoạt động ủy quyền liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tránh tình trạng bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt đất đai.

Từ đó, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành chỉ thị, văn bản chỉ đạo, trong đó có các biện pháp tăng cường quản lý. Ðơn cử như để ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị, văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp để nghiêm cấm việc mua bán, sang nhượng đất xâm canh dưới mọi hình thức; không được chuyển nhượng, tặng, cho, cầm cố, cho thuê đất sản xuất mà Nhà nước cấp đất cho đồng bào DTTS trong thời gian 10 năm kể từ ngày Nhà nước giao đất; đối với những hộ đã sang nhượng thì kiên quyết cưỡng chế, thu hồi. Ðồng thời có biện pháp xử lý thích đáng những đối tượng có hành vi môi giới, cho vay nặng lãi, ép buộc sang nhượng đất sản xuất, đất ở, nhà ở làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Với những giải pháp quyết liệt của các cấp chính quyền, sự giám sát của Ban Dân tộc HÐND tỉnh và các cơ quan chức năng thì tình trạng sang nhượng, cầm cố đất hay tình trạng bán điều non trong đồng bào DTTS đã giảm rõ.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Gia Mập Ðiểu Kiên cho biết: “Ðến nay tình trạng cầm cố đất, bán điều non trên địa bàn huyện đã giảm. Các hộ dân cũng nhận thức được việc bán, cầm cố đất hay vườn cây lâu dài dẫn đến mất trắng cho nên đã nâng cao cảnh giác. Hiện còn một số ít người dân trước đây cầm cố đất, bán điều non có thời hạn 5 năm, thậm chí 10 năm cho nên chúng tôi chủ động tuyên truyền, vận động khi hết thời hạn phải lấy lại đất để sản xuất, tuyệt đối không được cầm cố hay bán điều non”. Cách nay bốn năm, do khó khăn về kinh tế cho nên anh Ðiểu Kha ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập đã bán hơn 1 ha điều non với thời hạn 5 năm. Sau vụ thu hoạch điều này anh Kha sẽ lấy lại vườn để tự chăm sóc. Anh Ðiểu Kha chia sẻ: “Lúc đó do cần tiền cưới vợ cho nên tôi phải bán điều non. Mặc dù có đối tượng bảo tôi bán điều bông thêm ít năm nữa nhưng nhờ được các cấp chính quyền vận động, tôi quyết định không bán. Hết vụ điều năm nay tôi sẽ lấy lại vườn chăm sóc để không cảnh có đất mà phải đi làm thuê trên chính mảnh vườn của mình”.

Chủ tịch HÐND tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng đánh giá: Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Dân tộc HÐND tỉnh đã có nhiều tham mưu kiến nghị các cơ quan liên quan một số nội dụng liên quan đến việc tổ chức, triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Ban cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Nhờ đó, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS luôn kịp thời. Khởi sắc vượt bậc trong những năm gần đây ở vùng đồng bào DTTS sinh sống thể hiện chủ trương đúng đắn, sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và hệ thống chính trị đến đồng bào DTTS ở Bình Phước nói chung và cả nước nói riêng.