Gương điển hình

“Giữ lửa” cho then cổ

Nghệ nhân Nhân dân Mông Thị Sấm (trong ảnh), SN 1939, hiện trú tại số nhà 38 A, ngõ 3B, đường Lê Đại Hành, khối 7, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Với hơn 63 năm miệt mài gìn giữ điệu hát then cổ - di sản văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, bà còn lan tỏa niềm đam mê bằng cách truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò.

“Giữ lửa” cho then cổ

Nghệ nhân Mông Thị Sấm kể, bà sinh ra và lớn lên tại Pò Tang, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, là địa bàn cư trú lâu đời của người dân tộc Nùng, nơi được coi là “cái nôi” hát then của xứ Lạng. Gia đình bà đã có tám, chín đời theo nghiệp then. Vì vậy, thời còn trẻ, bà đã được thừa hưởng những làn điệu dân ca ngọt ngào và những ngón đàn điêu luyện từ các nghệ nhân hát then ở vùng sơn cước này. Không chỉ thông thạo các nghi lễ then thông thường, như: Lễ cúng mụ cho trẻ sơ sinh, cầu an cầu phúc cầu tài, giải hạn…, bà Mông Thị Sấm còn là người nắm giữ, thực hành thông thạo các nghi lễ then cấp cao: Cấp sắc, thăng sắc, thăng âm binh, thăng ngựa, đại lễ lẩu then..., thuộc lòng giai điệu bài hát trong từng chương đoạn. Những lễ then của nghệ nhân Mông Thị Sấm trở thành buổi giao lưu, sinh hoạt văn hóa hấp dẫn của cộng đồng.

Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Thủy Tiên, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Mỗi nghệ nhân then vừa là một nghệ sĩ tài hoa, vừa là một “kho tàng sống” về di sản văn hóa tín ngưỡng, tâm linh đặc sắc. Sở dĩ những lời hát then của nghệ nhân Mông Thị Sấm được mọi người mến mộ, vì bà thuộc lòng hàng nghìn câu then, thông qua các nghi lễ: Cấp sắc, lễ cầu mùa, lễ cúng tổ tiên phản ánh cuộc sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng... Nhiều năm gắn bó với then, bà Sấm cũng tích cực tham gia truyền dạy hát then tại địa phương. Với mong muốn những bài then cổ không bị thất truyền, bà Mông Thị Sấm đã cùng Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Thủy Tiên chép lại thành văn bản để lưu giữ, phục vụ nghiên cứu, truyền dạy cho hội viên các câu lạc bộ hát then (thuộc Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn). Bất kỳ ai muốn học hỏi để hiểu biết thêm về nghệ thuật hát then, đàn tính, bà đều sẵn sàng giúp đỡ, tận tình chỉ bảo và cung cấp tư liệu. Gần 63 năm làm then, bước chân của nghệ nhân Mông Thị Sấm đã in dấu khắp các nẻo đường quê hương đất nước như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk... Nơi nào có cộng đồng người Tày, người Nùng sinh sống là bà lại đến với họ cùng các nghi lễ then.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà cho biết: Nghệ nhân Mông Thị Sấm thật sự là một trong những “đại thụ” của nghệ thuật hát then, đàn tính của tỉnh. Bà luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng như: Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, Liên hoan hát dân ca khu vực của tỉnh, của toàn quốc... và đã đoạt nhiều giải thưởng cao. Năm 2019, bà Mông Thị Sấm vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Suốt bao nhiêu năm miệt mài với công việc gìn giữ, truyền dạy làn điệu then, mặc dù tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân Mông Thị Sấm vẫn luôn mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa, để những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ngày càng được nhiều người biết đến và yêu mến.