Xử phạt nghiêm hành vi coi thường mạng sống người khác

Những ngày qua, người dân thành phố rất quan tâm, hoan nghênh việc Công an TP Hồ Chí Minh mở đợt ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp người điều khiển phương tiện ô-tô chở khách, xe tải hạng nặng, công-ten-nơ sử dụng, lạm dụng các chất kích thích (rượu, bia, ma túy…) gây mất an toàn giao thông. Đây là hành vi xem thường mạng sống của người khác, cần được xử lý thật nghiêm.

Bằng hình thức thử nước tiểu, từ ngày 13-1, lực lượng Công an phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) đã phối hợp với cảnh sát giao thông, đội ma túy, hình sự và trạm y tế phường "xuất quân" sớm, kiểm tra hành chính tài xế trên các tuyến đường xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1 và cụm cảng Trường Thọ. Sau hai ngày ra quân (13 và 14-1), lực lượng chức năng đã kiểm tra hàng chục tài xế xe đầu kéo công-ten-nơ, trong đó phát hiện bảy trường hợp dương tính với ma túy, một phụ xe sử dụng bằng giả...

Qua lời khai của các tài xế bị phát hiện sử dụng ma túy tại cơ quan công an khiến không ít người giật mình. Điển hình như tài xế Nguyễn Công Thiện (quê Ninh Thuận) khai chạy xe đầu kéo công-ten-nơ cho một chủ doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Trước thời điểm bị kiểm tra khoảng hai ngày, Thiện tham gia tiệc sinh nhật của người bạn ở tỉnh Đồng Nai và cùng nhóm bạn sử dụng ma túy. Hai ngày sau cơn "phê", Thiện cầm vô-lăng chạy xe như bình thường. Còn tài xế Nguyễn Thế Truyền (quê Khánh Hòa) khai nhận: Do chạy xe đường dài và áp lực từ công việc cho nên phải "chơi" ma túy hoặc chất kích thích để tỉnh táo, tránh buồn ngủ khi lái xe. Ngoài ra, khi đến bãi tập kết, vì rảnh rỗi, các tài xế thường tụ tập đánh bài ăn tiền, một số mua ma túy về sử dụng, lâu ngày cho nên bị nghiện. Nhiều tài xế thản nhiên trả lời với lực lượng kiểm tra: Do áp lực từ phía các chủ doanh nghiệp, bọn em phải chạy xe cả ngày lẫn đêm, nhất là dịp cuối năm, hàng nhiều. Những lúc mệt mỏi hay buồn ngủ, chỉ có chất kích thích mới làm tài xế tỉnh táo được. Biết là không thể chạy xe lúc say “thuốc” nhưng vì miếng cơm manh áo đành phải làm liều...

Không thể chấp nhận những lời lẽ biện minh rằng vì mưu sinh mà coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người khác. Những vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây cho thấy, có tài xế sử dụng ma túy đã để lại bao hệ lụy cho gia đình các nạn nhân. Cụ thể là vụ tai nạn giao thông tại Bến Lức (Long An) mới đây làm bốn người chết, nhiều người khác bị thương, có nguyên nhân do người điều khiển sử dụng ma túy đã đâm thẳng vào số người đang dừng xe khi đèn đỏ. Các chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc thuê và buộc tài xế làm việc quá sức…

Vấn đề một số tài xế “cắn” ma túy khi điều khiển phương tiện, nhất là loại xe tải nặng, đầu kéo, công-ten-nơ không phải là mới và đang ngày càng có xu hướng gia tăng khiến dư luận rất bức xúc và nhức nhối. Chính vì vậy, kế hoạch ra quân kiểm tra đồng loạt người điều khiển phương tiện xe cơ giới, xe tải nặng của lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh đã thể hiện sự quyết liệt trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn tính mạng cho người đi đường và trên hết là thượng tôn pháp luật, loại trừ hẳn những phần tử xem thường pháp luật khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, việc kiểm tra của lực lượng chức năng cần thường xuyên, không làm theo kiểu “phong trào”, đến hẹn lại lên, chỉ tập trung dịp Tết Nguyên đán rồi đâu lại vào đấy. Đối tượng kiểm tra không nên “khoanh vùng”, không chỉ tập trung vào tài xế điều khiển phương tiện xe tải nặng mà cần mở rộng với cả tài xế xe buýt, xe khách liên tỉnh ngay tại các đầu bến, đầu mối tập trung nhiều phương tiện tham gia lưu thông với số lượng lớn hành khách ngồi sau “vô-lăng” như các bến xe khách liên tỉnh, các trạm trung chuyển, khu vực cảng để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường của giới tài xế và chủ xe.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạo dựng niềm tin cho người tham gia giao thông, các ngành, đơn vị, lực lượng chức năng cần phối hợp đồng bộ từ công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho đến công tác hậu kiểm, nhất là khâu xử lý vi phạm phải thực hiện một cách quyết liệt và nghiêm minh.