Xử lý nghiêm cơ sở thẩm mỹ "chui"

Phẫu thuật thẩm mỹ đang dần trở thành một xu hướng khá phổ biến, nhất là đối với phụ nữ trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, sự "lộng hành" của hàng loạt cơ sở thẩm mỹ "chui", không bảo đảm tiêu chuẩn hoạt động theo quy định của ngành y tế đã để lại những hậu quả nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con người.

Thời gian gần đây, báo chí thông tin không ít về việc nhiều cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ công khai quảng cáo nhận đào tạo học viên thực hiện các kỹ thuật xâm lấn cơ thể như: hút mỡ, chỉnh sửa các bộ phận cơ thể,… chỉ trong thời gian từ một đến ba tuần. Các khóa học "cấp tốc" này đều do các chủ cơ sở tự "lên chương trình" đào tạo theo kiểu người đi trước chỉ cho người đi sau; thậm chí, họ còn công khai hướng dẫn học viên cách xử lý các biến chứng. Sau khi học, nhiều cơ sở làm đẹp còn "bao" luôn cả các chứng chỉ hành nghề do các cơ sở uy tín trên địa bàn cung cấp để tạo lòng tin với khách hàng. Hậu quả là nhiều người đi làm đẹp đã "tiền mất tật mang" khi gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí chết người vì các thủ thuật trong quá trình thẩm mỹ không bảo đảm được yêu cầu về chuyên môn của ngành y tế.

Qua kiểm tra, ngành y tế thành phố và các cơ quan chức năng khẳng định: Các cơ sở thẩm mỹ nêu trên đều "tự thành lập" và hoạt động trái với chức năng, thẩm quyền. Nhiều cơ sở bị lập biên bản phạt hành chính hàng trăm triệu đồng, đình chỉ hoạt động nhưng với lợi nhuận rất lớn từ các dịch vụ làm đẹp, các cơ sở dạng này vẫn không ngừng mọc lên bất chấp quy định của pháp luật. Các trường hợp nguy hiểm đến cơ thể, tính mạng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, một lần nữa cảnh báo về việc làm đẹp không an toàn. Không thể phủ nhận nỗ lực xử lý, kiên quyết chấn chỉnh, dẹp bỏ các cơ sở làm đẹp "chui" của các cơ quan chức năng thành phố thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ, mạng xã hội bùng nổ hiện nay, bên cạnh các giải pháp mang tính chất hành chính, cơ quan chức năng cần kết hợp, tận dụng nhiều giải pháp để tuyên truyền đến người dân cũng như quản lý tốt các cơ sở làm đẹp đang hoạt động, tránh những hệ quả tiêu cực đối với xã hội.

Theo đó, ngành y tế cần tăng cường tuyên truyền, lan tỏa các thông điệp, khuyến cáo của chuyên gia để người dân có thể tìm hiểu kỹ, chọn lọc thông tin khi có nhu cầu làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ. Sở Y tế cần mở rộng, tương tác nhiều hơn với các ứng dụng tiện ích để người dân thuận tiện theo dõi, phản ánh. Nhất là đưa đến các thông tin như: cơ sở khám, chữa bệnh; danh mục kỹ thuật; các cơ sở hoạt động không phép, hoạt động quá phạm vi được làm, quảng cáo vượt quá phạm vi hay các cơ sở có dấu hiệu vi phạm; lịch sử hoạt động của các cơ sở làm đẹp;... một cách chính thức. Thực tế, với một "ma trận" dày đặc các dịch vụ làm đẹp được quảng cáo rầm rộ như hiện nay, người dân sẽ rất khó nếu như các cơ quan chức năng không có một "địa chỉ" tin cậy để họ tham khảo, tìm hiểu. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng phải thường xuyên tiến hành kiểm tra để kịp thời xử lý các cơ sở hoạt động "chui"; đồng thời kiến nghị, đề xuất tăng mức xử phạt nhằm bảo đảm tính răn đe đối với các chủ cơ sở thẩm mỹ trái phép.

XUÂN PHÚ