Xóa dần “điệp khúc” cứ mưa là ngập

Từ đầu tháng 5, mùa mưa đã chính thức bắt đầu tại các tỉnh Nam Bộ. Bên cạnh được hưởng tiết trời mát mẻ, người dân thành phố cũng đồng thời phải canh cánh với “điệp khúc” cứ mưa là ngập.

Nỗi lo đã trở thành hiện thực khi chỉ vài cơn mưa đầu mùa xuất hiện cuối tuần qua đã làm nhiều khu vực của thành phố ngập sâu. Trên các tuyến đường thuộc các quận 1, 2, 3, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức... mặt đường trở thành sông. Khu vực chân cầu Thủ Thiêm nước chảy mạnh khiến nhiều người đi xe máy té ngã. Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) mặc dù hệ thống máy bơm chống ngập đã vận hành nhưng tình trạng ngập vẫn kéo dài hàng giờ. Mưa ngập không chỉ cản trở lưu thông do xe chết máy mà nước mưa còn tràn lên vỉa hè, vào tận nhà dân gây xáo trộn sinh hoạt... Không chỉ những nơi trũng, thấp, ngay cả ở những khu vực thuộc diện cao như Gò Vấp, Thủ Đức... cũng bị ngập sâu, kéo dài nhiều giờ. Điều đáng nói là những cơn mưa xuất hiện các ngày vừa qua đều trong thời điểm triều kém. Điều này chứng tỏ yếu tố thủy triều không hề tác động đến tình trạng ngập vừa rồi, qua đó cho thấy hệ thống thoát nước ở nhiều khu vực, trên nhiều tuyến đường trong thành phố còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đủ khả năng tiêu thoát nước mỗi khi trời mưa to.

Chương trình chống ngập nước đã được thành phố triển khai liên tục từ hơn mười năm nay. Năm 2008, thành phố thành lập Trung tâm điều hành chống ngập nước. Đây là cơ quan chuyên trách với các chức năng chủ yếu là nghiên cứu, xây dựng chiến lược và các giải pháp kiểm soát lũ, triều; điều phối các hoạt động, dự án tiêu thoát nước để giải quyết căn bản tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố. Theo chương trình hành động giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020, thành phố phấn đấu hướng tới mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước ở khu vực trung tâm và một phần các khu lưu vực ngoại vi, tổng diện tích 550 km2 với khoảng 6,5 triệu người đang sinh sống. Trong những năm qua, thành phố cũng đã triển khai nhiều công trình rất quan trọng như: nạo vét, nâng cấp, xây mới hàng chục nghìn mét cống thoát nước; hàng chục cây số kênh, rạch; củng cố đê bao, khởi công xây dựng các hồ điều hòa; lắp đặt các cống, van ngăn thủy triều; tôn nền, nâng cao trình của nhiều tuyến đường... với kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các nỗ lực nêu trên vẫn chưa mang lại kết quả như người dân mong đợi.

Quan sát những tuyến đường ngập nước trong thành phố cho thấy, ngoài yếu tố nằm trong khu vực trũng, thấp, diện tích mặt đất “nhựa hóa”, “bê-tông hóa” cao làm giảm đáng kể lượng nước mưa tự thấm vào lòng đất..., nguyên nhân gây ngập còn do ách tắc dòng chảy trong lòng cống thoát, nhất là bùn đất, rác thải che lấp miệng hố ga thoát nước. Không ít miệng hố ga kiểu cũ trên đường phố bị người dân dùng bạt, ni-lông đậy lại để tránh mùi hôi. Miệng hố ga thoát nước vẫn đang là nơi xả rác của những người thiếu ý thức. Đầu mùa mưa, khi công nhân vệ sinh chưa kịp nạo vét, thu dọn thì khả năng bị ngập đường phố vẫn còn tái diễn.

Chống ngập nước không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cùng với chờ đợi các công trình chống ngập của thành phố hoàn thành, đưa vào vận hành, nạo vét, sửa chữa hệ thống thoát nước..., điều không kém phần quan trọng là người dân phải nâng cao ý thức bảo môi trường bằng những hành động cụ thể như không xả rác xuống kênh, rạch, miệng cống thoát nước, giữ gìn vệ sinh môi trường sống... Đây là những việc dễ làm, không gây tốn kém nhưng sẽ góp phần tích cực và hiệu quả cùng các cơ quan chức năng xóa dần “điệp khúc” cứ mưa là ngập.