Xếp hạng để bảo vệ di tích

Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa xếp hạng di tích kiến trúc cấp thành phố đối với hai công trình: Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá và Nhà thờ Thủ Thiêm tại phường Thủ Thiêm, quận 2. Đây được xem là việc làm cấp bách, cần thiết nhằm bảo vệ và tôn tạo các công trình kiến trúc cổ trên địa bàn.

Có không ít ý kiến cho rằng: Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị đang là một “cuộc chiến” nhọc nhằn, đầy thách thức trong giai đoạn hiện nay. Một báo cáo của Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh trong năm 2019 cho thấy, có 1.300 biệt thự cổ trên địa bàn được Hội đồng phân loại biệt thự tổ chức đánh giá, phân loại nhằm phục vụ công tác bảo tồn, tuy nhiên, khi việc phân loại này chưa được thực hiện xong thì có khoảng 600 biệt thự đã “biến mất”. Tương tự, năm 2017, UBND quận 1 báo cáo Sở Xây dựng thành phố kiểm kê, phân loại 200 biệt thự cũ, nhưng do công tác kiểm kê diễn ra chậm, đến nay đã có nhiều chủ biệt thự tháo dỡ và xây dựng lại vì mục đích kinh tế. Nhiều trường hợp, mặc dù quận không đồng ý nhưng người dân vẫn tự tìm cách phá dỡ...

Ngược dòng thời gian về 10 năm trước, gần như năm nào UBND thành phố cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ di sản đô thị. Trong các văn bản này, nổi bật nhất là Quyết định số 3691 và số 2751 (năm 2010) đã thể hiện rõ 10 nội dung bảo tồn, trong đó việc lập danh mục, kiểm kê, đánh giá, khoanh vùng lõi di sản của thành phố, các quy chế liên quan cũng như những chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn... đã được thể hiện rõ.

Vậy, vì sao các công trình kiến trúc, các biệt thự cổ cứ dần biến mất? Lý giải của các nhà khoa học cho thấy, đó là vì có sự mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản, giữa lợi ích kinh tế trước mắt và lợi ích tinh thần lâu dài. Để cân bằng giữa các lợi ích, không còn cách nào khác là thành phố cần thay đổi quan điểm, coi di sản là bản sắc của đô thị, là một tài sản tiềm năng để phát triển văn hóa, du lịch, từ đó tái tạo nguồn thu để đầu tư lại cho di sản...

Với lợi thế của một đô thị có lịch sử hơn 300 năm, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh từ lâu được các nhà khoa học xác định là một thành phố di sản. Vì vậy, di sản cần phải được lưu ý trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; phải xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị. Thành phố cần tăng cường quảng bá, đổi mới để thu hút ngày càng nhiều người dân đến bảo tàng, di tích; tăng cường hoạt động xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản... Nội dung bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị phải được đưa vào chương trình giám sát hằng năm của HĐND thành phố. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ đề về phát triển văn hóa mà thành phố đã chọn trong năm 2020...

Với hai công trình Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm sau khi được xếp hạng di tích sẽ được các cơ quan chức năng kiểm kê đánh giá các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích nhằm hỗ trợ hai cơ sở tôn giáo này quản lý các tài sản của mình chặt chẽ, cũng như giúp các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ kịp thời khi có sự cố. Cùng với đó, di tích được lập hồ sơ và lưu giữ các bản vẽ mặt bằng tổng thể tỷ lệ 1/500, các mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt ngang, cắt dọc, kết cấu, tạo điều kiện cho chủ sở hữu nhanh chóng xin phép tu bổ, sửa chữa di tích khi có nhu cầu...