Từ hiện tượng "Tiên Nga"

Vở “Tiên Nga”(*) đang trở thành một hiện tượng thú vị tại phòng vé của làng kịch TP Hồ Chí Minh. Hiện tượng ấy còn có ý nghĩa hơn trước thực tế sân khấu đang gặp nhiều khó khăn khi khán giả ngày càng thưa vắng, những vở kịch vẫn chạy theo tiếng cười dễ dãi của một bộ phận khán giả mà không mang nhiều giá trị nghệ thuật.

Trong bức tranh có quá nhiều màu trầm ấy, “Tiên Nga” là một điểm sáng đáng quý để ta có thể khẳng định rằng khán giả không quay lưng với những tác phẩm có giá trị thật sự. Dựa theo truyện thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc đã chọn hình thức nhạc kịch để “Tiên Nga” thể hiện được trọn vẹn cái đẹp của tác phẩm cụ Đồ.

“Tiên Nga” trở thành một vở diễn thuần Việt từ âm nhạc dựa trên âm hưởng của âm nhạc tài tử và thang âm ngũ cung do nhạc sĩ Đức Trí đảm nhận, đến từng câu chữ và vũ đạo của các diễn viên cũng đều toát lên phong thái của người Nam Bộ xưa. Và trên hết, vở diễn đã lột tả được cốt cách của người Việt không chịu áp bức, không sợ hiểm nguy, quyết hy sinh để gìn giữ giang sơn. Mỗi nhân vật từ Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Kim Liên, Vương Tử Trực… đều thể hiện được tố chất trung-hiếu-tiết-nghĩa của người Việt và sự hào sảng vốn có của người dân Nam Bộ.

Sự thành công của "Tiên Nga" ở chỗ tác phẩm đã hội đủ được các yếu tố mà một vở diễn hiện nay cần hướng đến: tính định hướng, tính nghệ thuật và cả yếu tố thị trường. Tất cả hòa quyện nhau và đi vào lòng công chúng một cách nhẹ nhàng. Người xem có thể cảm nhận chất văn học đậm đặc trong vở diễn, nhận ra những giai điệu mang tính dân tộc nhưng vẫn mới, vẫn hiện đại. Và khi màn nhung khép lại, ta như được củng cố thêm niềm tin, về lòng yêu nước, về ý chí quyết tâm giữ gìn bờ cõi nước nhà. Đó cũng là thông điệp mà tác phẩm muốn gửi gắm.

Vở diễn dự kiến chỉ diễn 20 suất là thành công, nhưng đến nay đã vượt qua con số 30 và vẫn tiếp tục sáng đèn. Từ con số ấy cho thấy khán giả không quay lưng với sân khấu, nếu người nghệ sĩ hết lòng với đứa con tinh thần của mình. Và khán giả sẽ cũng không quay lưng lại với những đề tài truyền thống của dân tộc, nếu người nghệ sĩ đủ tài năng, đủ tâm để thổi vào đó hơi thở của thời đại, đánh thức được sự rung cảm của khán giả trẻ ngày nay. Khi đó, vở diễn không cần chạy theo thị hiếu của khán giả, mà chính những người nghệ sĩ phải dẫn lối cho khán giả hướng đến những giá trị nghệ thuật đúng nghĩa trên thánh đường của chính mình.

----------------------------

(*) Vở nhạc kịch của sân khấu Idecaf dựa từ truyện thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu; hợp soạn: Nghệ sĩ Nhân dân Năm Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hồng Dung; biên kịch: Nguyễn Thành Lộc; Đạo diễn: Thành Lộc; âm nhạc: Đức Trí.