Trả lại mảng xanh cho các dự án nhà ở

Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở khu dân cư (KDC) Khang An (phường Phú Hữu, quận 9) buộc phải sống chung với một bãi rác lẫn cây cỏ dại rộng gần một héc-ta. Đáng lo hơn, ngoài chuyện ô nhiễm môi trường, khu vực này cũng thường xuyên xảy ra các vụ cháy vào mùa nắng và là điểm tụ tập của các đối tượng hút chích, cờ bạc…, nguy cơ gây mất an ninh trật tự, đe dọa cuộc sống bình yên của người dân. Trong quy hoạch của KDC, khu vực bất an này là công viên, nhưng chủ đầu tư dự án đã lãng quên.

Cùng ở quận 9, KDC Nam Hòa (phường Phước Long A) cũng đã hình thành được khoảng mười năm, dân cư đã sinh sống đông đúc, nhưng khu vực được xem là công viên (diện tích khoảng hai nghìn mét vuông) của KDC lại trở thành những quán ăn, quán cà-phê, bãi giữ xe… Dự án KDC SaiGonRes (phường 7, quận 8) cũng chịu chung cảnh ngộ. Gần mười năm nay, thay vì được thụ hưởng một công viên với nhiều cây xanh như hứa hẹn ban đầu của chủ đầu tư, cư dân ở đây lại phải sống kề bên một đám cỏ tranh, lau sậy um tùm,…

Tình trạng chủ đầu tư các dự án nhà ở “câu giờ” hoặc không xây dựng công viên (với hạng mục cơ bản là cây xanh) sau khi bán hết căn hộ, nền đất, kéo dài việc bàn giao toàn bộ công trình cho cơ quan quản lý nhà nước diễn ra khá phổ biến ở thành phố. Không những vậy, tại không ít dự án nhà ở, chủ đầu tư lại làm biến dạng khu vực công viên thành những tụ điểm kinh doanh để tư lợi như nhà hàng, quán cà-phê, sân quần vợt… Trong khi đó, hằng năm, các cơ quan quản lý nhà nước đều phối hợp chính quyền các quận, huyện kiểm tra, xử lý những sai phạm ở các dự án nhà ở. Thế nhưng, dường như chính quyền và các ngành chức năng địa phương lại chểnh mảng, hờ hững trong việc xử lý vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao dự án đúng thời hạn cam kết ban đầu. Do đó, việc khắc phục các bất cập, sai phạm diễn ra rất chậm, chủ đầu tư cứ viện dẫn nhiều lý do như hết vốn, cần thêm thời gian xây dựng, số lượng người dân đến ở chưa nhiều…; còn chính quyền địa phương thì lại cho rằng chủ đầu tư chưa bàn giao công trình cho nên không thể đầu tư, nâng cấp các tiện ích công cộng.

Công viên đi kèm cây xanh là tiện ích không thể thiếu trong các dự án nhà ở, vừa tạo cảnh quan, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, vừa để bảo đảm không gian sống lành mạnh cho người dân. Vì vậy, trong quy hoạch lẫn quyết định cấp phép (phê duyệt) dự án của cơ quan quản lý nhà nước, công viên là hạng mục luôn phải có. Tuy nhiên, có thể thấy rằng do công tác “hậu kiểm” của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương chưa nghiêm, nên mới xảy ra câu chuyện công viên cây xanh chỉ nằm trên giấy ở nhiều dự án nhà ở. Hiện nay chúng ta không thiếu các quy định pháp luật để xử lý những chủ đầu tư làm ăn gian dối, thất tín. Bên cạnh việc xử phạt hành chính, cơ quan quản lý nhà nước phải buộc chủ đầu tư khắc phục vi phạm trong thời gian nhanh nhất có thể, hoặc truy thu tiền rồi chọn nhà thầu đầu tư công viên theo đúng quy hoạch. Với các chủ đầu tư chây ỳ, các cơ quan chức năng có thể xem xét áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn như không cấp giấy chủ quyền cho dự án (đối với nhà ở, căn hộ); phong tỏa tài khoản ngân hàng; rút giấy phép hành nghề hoặc cấm tham gia đầu tư các dự án mới trong một khoảng thời gian đối với doanh nghiệp vi phạm và các cá nhân liên quan…