Thủ Thiêm - bài học của công tác đối thoại

Chúng tôi gọi buổi tiếp xúc cử tri của Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh với cử tri quận 2 diễn ra vào chiều 9-5 là buổi làm việc đặc biệt. Ðặc biệt, vì thời gian làm việc kéo dài hơn bảy tiếng đồng hồ nhưng dường như không ai muốn kết thúc. Ðặc biệt, vì người dân nào đăng ký phát biểu cũng đều được trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình. Ðặc biệt vì những bức xúc dồn nén bấy lâu của người dân được chuyển thành những giọt nước mắt đắng cay lăn dài trên gò má.

Chưa nói đến đúng sai về mặt pháp lý. Vì sao từ quận 1 sang quận 2 chỉ cách nhau một con sông Sài Gòn, qua một cái hầm Thủ Thiêm dài chưa đầy 1,5 cây số nhưng phải mất 20 năm, người dân bị giải tỏa để nhường đất cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm và đại biểu dân cử cùng chính quyền mới gặp nhau.

Người dân mong muốn gì? Dân mong muốn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trả lời cho họ chính xác đất của họ có nằm trong ranh quy hoạch phải thu hồi hay không? Mong chính quyền thành phố cho dân biết diện tích 160 ha đất tái định cư liền kề mà Chính phủ dành cho dân giờ còn hay mất? Vì sao trên chính mảnh đất ấy, đơn giá bồi thường một mét vuông đất chỉ mua nổi vài tô phở mà hiện nay các nhà đầu tư bất động sản đang chào bán hàng trăm triệu đồng? Vì sao sau hàng chục năm nhường đất cho thành phố, người dân chưa được thụ hưởng tiện ích gì của một khu đô thị hiện đại xứng tầm Ðông - Nam Á như mục tiêu ban đầu dự án đề ra?... Những câu hỏi chính đáng ấy, nếu được giải đáp rõ ràng, minh bạch, thì có lẽ hàng nghìn người dân hiền lành, chân chất không bức xúc như ngày hôm nay.

Tại buổi đối thoại, người dân lần lượt phát biểu, lần lượt đề xuất kiến nghị theo một thứ tự nghiêm minh. Ðiều ấy cho thấy, nhân dân vẫn chưa mất niềm tin với thể chế và mong muốn đối thoại. Ðó là một đặc tính ưu việt của nhân dân mà đã có nhiều lúc, nhiều nơi, lãnh đạo bàng quan hoặc cố ý bỏ qua cơ hội lấy lòng dân. Sự bàng quan, dù là vô tình hay cố ý đã đẩy nhân dân đi xa hơn, gây ra sự phân rã. Họ vẫn tin, vẫn đồng tình Quyết định số 367 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm đậm chất nhân văn, nhằm xây dựng TP Hồ Chí Minh ngày càng hiện đại. Khi giao đất, họ vẫn tin, có một ngày họ sẽ là những người đầu tiên được hưởng những giá trị mà Khu đô thị mới mang lại, rồi con cháu họ sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Nếu như trong quá trình thực hiện, chính quyền thành phố thực hiện tốt công khai, minh bạch từ hồ sơ pháp lý dự án, giá bồi thường, tái định cư, kế hoạch an sinh cho nhân dân thì có lẽ ngày hôm nay, Khu đô thị Thủ Thiêm đã nên hình nên dạng.

Bài học của Thủ Thiêm là bài học của công tác đối thoại. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước nhưng chưa thẩm thấu sâu sắc vào thực tiễn tại dự án này. Ðã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần minh bạch tất cả các thông tin liên quan đến dự án Thủ Thiêm để "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra". Người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để có được một Khu đô thị Thủ Thiêm văn minh, hiện đại, nhưng đổi lại người dân xứng đáng nhận được những thông tin minh bạch, từ khâu quy hoạch, đền bù, tái định cư, cho đến việc mức giá bàn giao đất cho chủ đầu tư. Và quan trọng nhất, là tâm thế tôn trọng nhân dân, là hành động vì dân.