Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2014 đến 2019, TP Hồ Chí Minh chỉ thu hút được 19 nhà khoa học, chuyên gia (gọi chung là chuyên gia) về công tác tại các đơn vị của thành phố; trong đó có năm chuyên gia Việt Nam, sáu người nước ngoài và tám kiều bào. Những chuyên gia này được mời về theo chính sách của thành phố về thu hút chuyên gia khoa học - công nghệ (KH-CN) vào làm việc tại một số nơi ở thành phố từ nhiều năm nay.

Các chuyên gia nước ngoài đã có nhiều đóng góp đáng kể đối với thành phố, nhất là với các chương trình nghiên cứu và phát triển KH-CN như vi cơ điện tử, vi mạch, bán dẫn, tự động hóa, nano… Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu KH-CN tại nhiều cơ quan, đơn vị của thành phố đã trở nên bài bản, chuyên nghiệp hơn. Ðồng thời, các chuyên gia của thành phố cũng có thêm điều kiện để trao đổi, học hỏi, cải thiện được nhiều điều; thiết lập được những mối quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học có tên tuổi…

Tuy vậy, con số đạt được không như mong đợi, chưa tương xứng với vị thế và vai trò của thành phố, nhất là số chuyên gia đang trong độ tuổi lao động hoặc trẻ tuổi còn quá ít. Thực tế cho thấy, những chính sách thu hút chuyên gia của thành phố trong thời gian qua vẫn chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng. Các chuyên gia nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn trong việc xin vi-sa, chưa có chỗ lưu trú và phải ở khách sạn, phải sử dụng ta-xi khi đi lại, thuế thu nhập còn cao. Bên cạnh đó, thời gian thẩm định chuyên gia còn kéo dài, một số tiêu chuẩn (yêu cầu) còn cứng nhắc, gây khó, khiến các chuyên gia không mặn mà đến với thành phố và cũng làm giảm đi cơ hội mở rộng hợp tác…

Hệ quả là phần lớn chuyên gia thành phố thu hút được là người lớn tuổi hoặc đã về hưu; số lượng chuyên gia đã ít lại chỉ tập trung vào một số ngành KH-CN ở phạm vi hẹp. Một số lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng đang cần nhân lực chất lượng cao nhưng chưa được quan tâm, chưa được đưa vào chính sách ưu tiên thu hút. Cùng với đó, việc bố trí, sắp xếp công việc cho các chuyên gia cũng chưa hợp lý, khoa học, chủ yếu phân công vào vị trí chủ nhiệm, tổ trưởng các đề tài hoặc công trình nghiên cứu chứ chưa tạo điều kiện cho chuyên gia phát huy năng lực lãnh đạo, tổ chức nghiên cứu cũng như chưa có giải pháp hấp dẫn để “giữ chân” chuyên gia làm việc lâu dài…

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, còn nhiều tiềm năng, lợi thế để duy trì và nâng cao hơn nữa vị thế đó. Ðể phát triển nhanh, bền vững, thành phố cần chú trọng về năng suất lao động. Muốn vậy, thành phố phải quan tâm, đầu tư một cách căn cơ hơn nữa cho nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ chuyên gia và nhân lực có trình độ cao về KH-CN.

 Trước hết, để các chuyên gia có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến lâu dài cho thành phố thì chính sách thu hút cần chú trọng đến các chế độ đãi ngộ, nhất là những người mang cả gia đình về Việt Nam. Cần hỗ trợ về nơi ăn ở, phương tiện đi lại… Chính sách cũng cần linh động, linh hoạt hơn, cần trọng dụng chuyên gia trên cơ sở thực tế làm việc và những công trình KH-CN cụ thể của họ chứ không chỉ căn cứ vào bằng cấp.

Với những chuyên gia có tài năng đặc biệt hoặc có năng lực chuyên môn cao trong những lĩnh vực trọng điểm, cần có chính sách ưu đãi “cá biệt” về trợ cấp ban đầu, lương và phụ cấp hằng tháng, hỗ trợ nhà ở và phương tiện đi lại, được hưởng “hoa hồng” từ những công trình nghiên cứu mang lại giá trị kinh tế lớn. Cùng với đó, các chuyên gia rất cần được làm việc trong môi trường phù hợp.