Sớm triển khai mô hình trường học thông minh

Từ năm học 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai dự án xây dựng hệ thống các trường học thông minh. Theo kế hoạch, giữa năm nay, năm trường trung học phổ thông (THPT) chuyên: Lê Hồng Phong, Trần Ðại Nghĩa, Lê Quý Ðôn, Nguyễn Hiền, Nguyễn Du tiên phong thí điểm mô hình lớp học điện tử, trường học điện tử và đánh giá hiệu quả cuối năm 2019 để làm cơ sở nhân rộng cho các trường còn lại trên toàn thành phố.

Mục tiêu của dự án là đầu tư, xây dựng hệ thống các trường học thông minh, phù hợp điều kiện thực tế, không bị lạc hậu về công nghệ và giải pháp để hỗ trợ lâu dài, bền vững cho việc đổi mới phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại, phát huy năng lực người học; gắn việc dạy học với thực tiễn và nghiên cứu khoa học. Khi áp dụng mô hình trường học thông minh, tại các trường này, phương pháp dạy học, thi cử, đánh giá được đổi mới, phân hóa theo năng lực của học sinh dựa trên chuẩn kiến thức. Trường học sẽ trở thành môi trường học trực tuyến "mọi lúc - mọi nơi". Nói cách khác, trường học thông minh sẽ hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục; xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội.

Ðầu tư cơ bản cho trường học thông minh gồm: Hệ thống CNTT; phòng học tiên tiến, thông minh; phòng tin học, ngoại ngữ, thi trắc nghiệm, thiết bị thực hành thí nghiệm, thư viện thông minh, đào tạo trực tuyến; trường học có hệ thống ca-mê-ra giám sát; thông tin giáo dục, thông tin quản lý, điểm danh thông minh, phần mềm phục vụ dạy và học...

Ngoài ra, Sở GD và ÐT thành phố sẽ triển khai trung tâm điều hành giáo dục thông minh. Trung tâm điều hành được coi là "bộ não" của mô hình, trong đó sẽ số hóa các tiện ích trong lĩnh vực GD và ÐT để các cấp quản lý, nhà trường và người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, để thực hiện thành công, ngành giáo dục thành phố cần làm rất nhiều việc. Theo thừa nhận của Sở GD và ÐT thành phố, việc thu hút người giỏi CNTT về công tác rất khó do chế độ đãi ngộ thấp. Hiện nay, đội ngũ đủ trình độ vận hành hệ thống CNTT nếu áp dụng mô hình trường học thông minh cũng đang thiếu rất nhiều. Ðiều kiện hạ tầng CNTT còn thiếu và yếu, nhất là trình độ CNTT của nhiều giáo viên còn dưới chuẩn. Yêu cầu đặt ra là giáo viên của trường học thông minh phải sử dụng thành thạo bảng tương tác, thiết kế và thường xuyên áp dụng bài giảng e-learning trong dạy học; khai thác và đóng góp cho kho dữ liệu dạy học mở; ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học; dạy học tích hợp; dạy học trực tuyến…

Việc triển khai mô hình trường học thông minh được xem là một trong những giải pháp nhằm bắt kịp với xu thế đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới, được dư luận đồng tình, ủng hộ và kỳ vọng nhiều từ hiệu quả của mô hình này. Do đó, ngành GD và ÐT thành phố cần xây dựng kế hoạch và thực hiện quyết liệt việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, thu hút nhân lực CNTT để có đầy đủ đội ngũ đáp ứng những kỹ năng và kiến thức cần thiết thực hiện trường học thông minh…