Quyết liệt ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em

Dư luận đang quan ngại trước các vụ bạo lực, xâm hại đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của trẻ em tại thành phố Hồ Chí Minh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê, tình hình tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn từ năm 2017 đến hết quý I năm 2019, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xử lý 170 vụ, tiến hành khởi tố 144 vụ với 148 đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó hành vi xâm hại trẻ em chiếm đến 86,51%.

Ðáng chú ý, lứa tuổi bị xâm hại ngày càng nhỏ và phần lớn là trẻ em gái, chiếm đến 85%. Ðối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, không chỉ là những người có trình độ học vấn thấp mà đã “lan rộng” ở những người có công việc tốt, trình độ học vấn cao khiến người dân không khỏi lo lắng, bức xúc.

Dư luận đặt vấn đề, trong khi chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý và tuyên truyền thường xuyên, nhưng vì sao tình trạng này không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng? Và làm thế nào để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực, xâm hại?. Câu hỏi này dường như vẫn đang còn “bỏ ngỏ” khi những con số thống kê nêu trên tình trạng về bạo lực, xâm hại tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động mà cả xã hội rất quan tâm.

Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em là một việc cấp bách. Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố làm đầu mối phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND 24 quận, huyện để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Ðồng thời, tổ chức các cuộc kiểm tra liên ngành về triển khai thực hiện quyền trẻ em, nhất là phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố được giao giám sát tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, phương pháp giáo dục trẻ em; hướng dẫn giáo viên, học sinh, các thành viên trong gia đình về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Công an thành phố triển khai các biện pháp phòng ngừa, điều tra, xử lý đối với tội phạm xâm hại trẻ em; thông tin chính xác, kịp thời về nội dung, quá trình giải quyết và kết quả xử lý các vụ việc liên quan xâm hại trẻ em cho các cơ quan truyền thông để góp phần định hướng dư luận. Các cơ quan tư pháp cần đẩy mạnh công tác tập huấn phương pháp nghiệp vụ điều tra, truy tố, xét xử thân thiện với trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài thời gian hoặc không giải quyết các trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em...

Ðây được xem là động thái quyết liệt đối với hành vi bạo lực, xâm hại đến sự an toàn của trẻ em mà thành phố yêu cầu các ban, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng triển khai một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, để các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em kéo giảm trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, trong tất cả các giải pháp thì việc hiểu biết, phòng ngừa từ bậc cha mẹ đối với trẻ em là quan trọng nhất, đồng thời đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chứ không phải là sự vào cuộc riêng lẻ của ban, ngành, đơn vị nào.