Quy định việc thu phí đối với thân nhân người bệnh

Thời gian gần đây, việc thu phí đối với thân nhân người bệnh (người nuôi người bệnh đang được chữa trị trong bệnh viện) của một số bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh đã gây ra nhiều luồng thông tin, ý kiến trái chiều trong dư luận. Câu chuyện xảy ra tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Ðức gây nhiều bức xúc nhất, do bệnh viện này tiến hành thu phí 30 nghìn đồng/ngày đối với thân nhân người bệnh (TNNB). Tuy nhiên, việc thu phí chỉ triển khai được một ngày thì ngưng lại vì vấp phải phản ứng của nhiều TNNB, đồng thời, bệnh viện cũng đã có báo cáo lên Sở Y tế thành phố.

Lý do thu phí là để hạn chế và đề phòng kẻ gian trà trộn vào bệnh viện, gây mất an ninh trật tự hoặc trộm cắp; để phục vụ TNNB tốt hơn cũng như có thể bù đắp phần nào chi phí hoạt động của bệnh viện do các bệnh viện đã tự chủ về tài chính. Thực tế cho thấy, không chỉ bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Ðức mà lâu nay, cũng với những lý do nêu trên, nhiều bệnh viện ở thành phố đã thu phí TNNB ở một số loại hình dịch vụ, tiện ích với nhiều mức độ khác nhau. Chẳng hạn, Bệnh viện Từ Dũ thu phí đối với TNNB là người thứ hai trở đi, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như một số bệnh viện khác thì thu phí đối với TNNB sử dụng nhà lưu trú…

Không phải đến bây giờ mà trước đây, việc thu phí đối với TNNB ở một số bệnh viện tại thành phố từng bị phản ánh và Sở Y tế thành phố đã yêu cầu các bệnh viện ngưng thu. Tuy nhiên, cho đến nay thì ngành y tế thành phố cũng chưa có văn bản hoặc hướng dẫn cụ thể, chi tiết nào về việc thu phí đối với TNNB. Cùng với đó, quy định hiện hành của Bộ Y tế (Thông tư 37/2018/TT-BYT, ngày 30-11-2018) cũng chưa đề cập đầy đủ cơ cấu giá dịch vụ y tế hoặc tính hết những tình huống phát sinh trong quá trình người bệnh được chữa bệnh ở bệnh viện. Vì vậy, để có thể cân đối hoặc bù đắp thu -
chi trong bối cảnh đã tự chủ về tài chính, các bệnh viện buộc phải thu phí đối với TNNB. Ðồng thời, do chưa có "chuẩn mực" nào, cho nên cách thu phí ở mỗi bệnh viện mỗi kiểu, mỗi mức giá và mức độ đáp ứng dịch vụ, tiện ích cũng muôn mầu muôn vẻ. Do vậy, việc thu phí TNNB cũng nhận được phản ứng khác nhau, có nơi phản đối nhưng cũng có nơi đồng tình. Việc thu phí nêu trên không có sự giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh triệt để của các ngành, cơ quan chức năng liên quan như y tế, tài chính…

Rõ ràng, việc thu phí TNNB, dù là hợp lý ở một mức độ nhất định, nhưng là chuyện nhạy cảm và chưa hợp tình, nhất là trong bối cảnh chi phí chữa bệnh ngày càng tăng trong những năm gần đây. Ðể bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người bệnh và bệnh viện, nhất là góp phần tạo môi trường chăm sóc và điều trị tốt nhất cho người bệnh, ngành y tế cần có quy định, khung pháp lý rõ ràng và cụ thể, đưa việc thu phí vào khuôn khổ pháp lý chứ không thể "thả nổi" như trong thời gian vừa qua. Ðiều gì bất cập, bất hợp lý thì cần nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tế, đặc điểm của từng khu vực, vùng miền, từng địa phương cụ thể. Bộ Y tế nên xem xét có hướng dẫn cụ thể hoặc HÐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể ban hành nghị quyết quy định việc thu phí này. Việc thu phí nên linh hoạt, sử dụng dịch vụ gì thì đáp ứng và thu phí dịch vụ đó chứ không nên thu phí trọn gói một cách cứng nhắc. Trong đó, không nên thu phí ở những dịch vụ, tiện ích tối thiểu như nhà vệ sinh, nước rửa tay, nước uống, thang máy, sạc điện thoại… và các dịch vụ, tiện ích khác đã có trong cơ cấu giá dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, cần có chính sách, cơ chế khuyến khích, ưu đãi để các bệnh viện đẩy mạnh việc nâng cấp và cung cấp các dịch vụ, tiện ích tối thiểu không thu phí; nhất là đầu tư, triển khai thêm những dịch vụ, tiện ích khác để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người bệnh và TNNB như nhà lưu trú, thực phẩm, giặt quần áo, giường, ghế…

Ðể việc thu phí đối với TNNB bảo đảm hợp lý, hợp tình vừa khả thi thì ngành y tế cần công khai, minh bạch và tuyên truyền rộng rãi giúp cho người bệnh và TNNB hiểu rõ và đồng thuận.