Quan tâm, chăm sóc các nghệ sĩ lớn tuổi, không nơi nương tựa

Cách đây hơn 20 năm, khu dưỡng lão nghệ sĩ được ra đời là một niềm tự hào đối với nghệ sĩ thành phố về sự tương thân tương ái. Nhiều nghệ sĩ sân khấu cao tuổi, nghèo khó xem đây là ngôi nhà ấm áp để an dưỡng những năm tháng cuối đời. Khu dưỡng lão nghệ sĩ do Hội Sân khấu thành phố trực tiếp là Ban Ái hữu nghệ sĩ quản lý, phải tự túc hoàn toàn kinh phí nuôi dưỡng, chăm sóc 12 nghệ sĩ. Số kinh phí để duy trì hoạt động đều đến từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm, các đoàn hát và khán giả.

Trước thực trạng xuống cấp của khu dưỡng lão nghệ sĩ, việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ ngày càng khó khăn hơn, cùng với việc gần đây, Hội Sân khấu thành phố mong muốn chuyển giao khu dưỡng lão nghệ sĩ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho thấy, việc duy trì ngôi nhà chung của những nghệ sĩ bắt đầu trở nên quá sức đối với Hội, Ban Ái hữu nghệ sĩ. Khu nhà ở của các nghệ sĩ hiện đã xuống cấp, chật hẹp, trong khi kế hoạch xây dựng những dãy phòng mới lại dở dang vì vướng thủ tục pháp lý, kinh phí… Chính vì thế, việc nhiều nghệ sĩ khác muốn đăng ký vào khu dưỡng lão để ở nhưng không được đồng ý đã gây nên hiểu lầm, tâm tư trong giới nghệ sĩ.

Để các nghệ sĩ cao tuổi được sống và chăm sóc trong điều kiện tốt hơn và nhiều nghệ sĩ không nơi nương tựa được chăm sóc, an dưỡng trong những năm tháng cuối đời, đòi hỏi phải có cơ quan quản lý nhà nước đủ sức tháo gỡ những vướng mắc nêu trên. Chủ trương đưa khu dưỡng lão nghệ sĩ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã được thành phố đề cập đến trong nhiều năm trước đây, nhưng khi ấy giới nghệ sĩ không đồng tình vì muốn đây là “ngôi nhà riêng” của nghệ sĩ sân khấu thành phố. Tuy nhiên, qua thời gian cho thấy, việc chuyển giao này là phù hợp. Như thế, tất cả các nghệ sĩ đã cống hiến cả đời mình cho nghệ thuật sẽ có thêm chế độ, chính sách để được chăm sóc tận tình, chu đáo.