Quản lý chặt hoạt động các cơ sở khám, chữa bệnh, thẩm mỹ

Trong tuần qua, sự cố y khoa nghiêm trọng khiến hai trường hợp tử vong đã xảy ra tại hai bệnh viện chuyên về làm đẹp là Kang Nam và Emcas như hồi chuông báo động về sự an toàn tại các cơ sở khám, chữa bệnh, thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã thành lập Hội đồng chuyên môn cấp sở theo quy định để phân tích, kết luận có hay không sai sót chuyên môn đối với ê-kíp phẫu thuật có liên quan để làm căn cứ xử lý vi phạm theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Sở Y tế thành phố cũng đã yêu cầu hai bệnh viện này tạm dừng thực hiện các kỹ thuật có liên quan việc sử dụng phương pháp gây mê.

An toàn phẫu thuật luôn được xem là một trong những vấn đề ưu tiên trong hoạt động an toàn người bệnh tại các bệnh viện. Ðể thực hiện điều này, thời gian qua, Sở Y tế thành phố cùng các chuyên gia đầu ngành của thành phố về phẫu thuật và gây mê đã xây dựng và ban hành "Khuyến cáo tăng cường triển khai các hoạt động an toàn người bệnh trong phẫu thuật" (Ban hành kèm theo Công văn số 8387/SYT-NVY ngày 25-8-2016) với 14 hoạt động cụ thể nhằm giúp các bệnh viện chủ động rà soát, củng cố các hoạt động bảo đảm an toàn người bệnh trong phẫu thuật; tổ chức diễn tập tình huống để rút kinh nghiệm trong phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau bên cạnh triển khai Quyết định số 7482/QÐ-BYT ngày 18-12-2018 của Bộ trưởng Y tế về ban hành Bộ tiêu chí chất lượng đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật.

Tuy nhiên, nếu ngành y tế thành phố không có giải pháp, hành động cụ thể, quyết liệt nhằm giải quyết những bất cập trong hoạt động tại các cơ sở y tế trên địa bàn thì việc bảo đảm an toàn cho bệnh nhân khi phẫu thuật, khám, chữa bệnh vẫn khó thực hiện. Hiện nay, sự an toàn sức khỏe bệnh nhân vẫn còn bị đe dọa bởi tình trạng bác sĩ "lậu", phòng khám "chui", thuốc kém chất lượng, quảng cáo quá sự thật, thậm chí việc cho thuê phòng mổ đối với lĩnh vực thẩm mỹ… vẫn còn xuất hiện nhiều trên địa bàn thành phố. Hằng tuần, Sở Y tế thành phố vẫn đều đặn công bố các cơ sở y tế vi phạm những quy định về khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ, buôn bán mỹ phẩm, dược phẩm; cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung… Hình thức phạt cho hầu hết các cơ sở vi phạm là tháo gỡ, xóa quảng cáo hay đình chỉ hoạt động vài tháng,… cho nên không đủ sức răn đe chung.

Thiếu nghĩ, ngành y tế thành phố cần thường xuyên tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở y tế trên địa bàn, mạnh tay hơn trong xử lý các cơ sở y tế vi phạm về hành vi khám, chữa bệnh. Ðặc biệt, trong nhiều trường hợp vi phạm, cần thiết phải đề nghị xử lý hình sự chứ không chỉ xử lý hành chính như hiện nay vì những hành vi vi phạm quy định khám, chữa bệnh đều đã được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự.

Một khi hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh, thẩm mỹ được quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật, thì khi ấy sức khỏe bệnh nhân, người có nhu cầu làm đẹp mới thật sự được bảo vệ an toàn.