Phòng cháy, chữa cháy lúc cao điểm nắng nóng

Nhiều tháng qua, TP Hồ Chí Minh thường xuyên đối mặt các đợt nắng nóng, thời tiết hanh khô kéo dài. Với diễn biến thời tiết như thế, công tác phòng, chống cháy, nổ tại các khu dân cư, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần được người dân, chủ doanh nghiệp hết sức chú ý để phòng ngừa hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, nhiều nhất vẫn là tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Nhiều vụ trong số đó đã đẩy các chủ cơ sở sản xuất rơi vào cảnh tay trắng. Có một đặc điểm chung là phản ứng tại chỗ của chủ cơ sở, người lao động đều rất chậm và không hiệu quả. Ðiều này cũng cho thấy phần nào công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo phương châm "bốn tại chỗ" mà các cơ quan chức năng triển khai thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Dù đa số người dân, chủ doanh nghiệp đều nhận thức được hậu quả của các vụ hỏa hoạn, nhưng việc nêu cao ý thức phòng ngừa vẫn chưa được chú trọng thường xuyên. Không ít vụ hỏa hoạn có nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến các biện pháp bảo đảm an toàn cháy, nổ. Một chút lơ là trong sử dụng điện, nấu ăn; đốt nhang đèn không cẩn trọng; sử dụng bình ga mi-ni bị rò rỉ,... đều có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ cháy với hậu quả khôn lường.

Trên thực tế, ngoài công tác tuyên truyền, kiểm tra công tác PCCC, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt các lỗi vi phạm về an toàn cháy, nổ tại một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức xử phạt vẫn chưa đủ sức cảnh báo, răn đe một số người còn phó mặc trách nhiệm PCCC cho các cơ quan chức năng...

Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, có quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh nên công tác PCCC luôn là vấn đề được lãnh đạo thành phố, các sở, ngành quan tâm đặc biệt. Với tính chất của một đô thị nén, thành phố đang gặp những khó khăn nhất định trong triển khai công tác PCCC một cách hiệu quả nhất.

Ðơn cử, thành phố hiện có hàng trăm nghìn căn nhà dạng kết hợp giữa cơ sở kinh doanh và nhà ở với những nguy cơ cháy, nổ luôn hiện hữu, nhưng trong công tác quản lý nhà nước về PCCC chưa có cơ quan nào được giao quản lý cụ thể; chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động. Thực tế này đòi hỏi cần xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác PCCC đối với UBND các phường, xã, thị trấn, công an khu vực trên địa bàn. Ðây là cấp hành chính và những người nắm rõ địa điểm, thực trạng cháy, nổ tại địa phương để từ đó có những đề xuất, kiến nghị hiệu quả đến cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống cháy, nổ.

Việc trang bị cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác PCCC đòi hỏi nguồn ngân sách lớn, thành phố cần có giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa công tác này để có thêm nguồn lực đáp ứng tốt hơn cho yêu cầu về PCCC trên địa bàn. Quan trọng hơn cả, công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý về công tác PCCC cần được các cơ quan chức năng triển khai thường xuyên, liên tục để người dân, cơ sở sản xuất nhận thức đầy đủ về các nguy cơ cháy, nổ nhằm hạn chế hậu quả cho bản thân, gia đình, góp phần tiết kiệm chi phí chung cho xã hội...