Phân loại rác từ nguồn thải còn bất cập

Mặc dù được triển khai tích cực trong thời gian dài với những giải pháp cụ thể, nhưng việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt kết quả như mong muốn.

Mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 8.000 tấn rác thải sinh hoạt, hàng nghìn tấn rác công nghiệp, rác xây dựng, bùn đất thải ra trong quá trình hoạt động sản xuất. Dù toàn bộ số rác thải phát sinh hằng ngày đều được thu gom, vận chuyển đến các cơ sở xử lý theo quy định, nhưng cách xử lý rác thải sinh hoạt vẫn đang được áp dụng bằng phương pháp chôn lấp là chủ yếu. Ðối với rác thải sinh hoạt, việc phân loại trước khi xử lý, nhất là xử lý theo phương pháp hiện hành có ý nghĩa quan trọng. Ðược phân loại tốt, khối lượng rác phải chôn lấp bao gồm cả rác có nguồn gốc hữu cơ lẫn vô cơ sẽ giảm xuống đáng kể. Hệ quả trực tiếp là giảm độc hại do các loại vật liệu khó phân hủy tồn dư trong môi trường đất; giảm ô nhiễm về mùi hôi, nước rỉ rác; tiết kiệm diện tích đất dùng để chôn lấp. Nếu phân loại tốt, các cơ sở xử lý còn tận dụng được lượng rác thải hữu cơ rất lớn để chế biến thành phân bón; nhiều loại rác thải có nguồn gốc vô cơ hoặc khó phân hủy có thể tận dụng để tái chế thành nguyên liệu sử dụng cho nhiều ngành sản xuất. Tận dụng được rác thải, các cơ sở chế biến còn có thêm nguồn thu, tạo cơ sở để giảm giá thành xử lý, nâng cao thu nhập cho người lao động; có thêm nguồn lực đầu tư công nghệ mới, hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng tăng lên.

Trong phân loại rác, việc phân loại ngay từ nguồn thải (các hộ thải rác) có vai trò quan trọng. Rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố rất hỗn tạp: chai lọ thủy tinh, bì nhựa, kim loại; phế phẩm rau, củ, quả sau chế biến thực phẩm, thức ăn thừa... Quan sát các loại xe thu gom rác tại nhiều khu vực dân cư, những điểm tập kết đều thấy, các loại rác được bỏ chung trong những túi, những bao thu gom từ các hộ gia đình. Ðiều này cho thấy, nhiều hộ dân chưa thực hiện phân loại trước khi thải bỏ; nhiều cơ sở dịch vụ thu gom rác chưa thực hiện phân loại trước khi đưa lên xe chuyên dụng chở đi xử lý. Với khối lượng hàng nghìn tấn mỗi ngày, nếu không phân loại tại nguồn thải thì không có cơ sở xử lý nào có thể làm nổi công việc tốn rất nhiều công sức này một khi rác đã thu gom về đơn vị.

Việc phân loại rác ngay từ nguồn thải không khó, không tốn kém về tiền bạc, không mất nhiều thời gian, công sức. Ðiều quan trọng là làm sao để mỗi người dân thay đổi thói quen bỏ chung các loại rác vào một thùng bằng việc phân chia từng loại vào những thùng chứa khác nhau. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cần được thực hiện thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả ở các địa bàn dân cư. Trong các khu phố, tổ trưởng dân phố, Ban Công tác Mặt trận, Chi đoàn Thanh niên, chi hội Phụ nữ cần tuyên truyền lồng ghép nội dung này vào những buổi họp tổ dân phố, kết hợp với hướng dẫn cách nhận biết, phân loại rác có nguồn gốc hữu cơ và vô cơ; lợi ích về bảo vệ môi trường... Mặt khác, qua các phương tiện thông tin cũng như những buổi họp tổ dân phố, nếu những thông tin tích cực, cụ thể về công tác này được thông tin thường xuyên thì người dân sẽ có ý thức hơn trong việc làm theo.