Ðồng bộ nhiều giải pháp giảm ô nhiễm không khí

Với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, bên cạnh những kết quả lớn đạt được về kinh tế - xã hội, TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với nạn ô nhiễm không khí. Ðiều này ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, chất lượng đô thị không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai. Do đó, thành phố đã, đang tập trung quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường đô thị.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, môi trường của thành phố hiện có các khí như: bụi PM 2.5, NO2, SO2, CO... đều vượt ngưỡng cho phép từ 1,5 đến 2 lần theo quy chuẩn. Nguyên nhân của tình trạng này được giải thích là do khí thải nhà kính từ hoạt động giao thông, sử dụng năng lượng, hoạt động sản xuất từ lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Trong đó, mức thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông chiếm 65,4%, sử dụng năng lượng chiếm 91% tổng lượng phát thải.

Giới khoa học cũng đưa ra những con số cảnh báo, nếu chính quyền thành phố không có các giải pháp quyết liệt và hiệu quả thì đến năm 2025 các khí thải nêu trên sẽ tăng thêm 40% và đến năm 2030 là 50%. Hiện tại, với mức độ ô nhiễm như hiện nay, các quận trung tâm đang trở nên quá tải, còn các quận khác cũng cần giảm một lượng từ 5.000 đến 8.000 tấn CO/năm/km2; quận, huyện phía tây và phía tây bắc cần phải giảm 3.000 tấn CO/năm/km2; khu vực các quận trung tâm và các quận, huyện phía tây thành phố cần giảm khoảng 86 tấn NO2/năm/km2 để bảo đảm môi trường sống an toàn cho người dân.

Ô nhiễm không khí từ lâu đã được cảnh báo là "kẻ thù thầm lặng" bởi nhiều chất ô nhiễm lẫn trong không khí bằng mắt thường không thể nhận diện được nhưng khi đã "ngấm" thì cơ thể con người rất khó thích nghi và xử lý. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, thành phố sẽ còn gặp nhiều khó khăn đối với tình trạng này. Ðể triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn không khí cho hiện tại và tương lai, thành phố cần dựa vào quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế xã hội và điều kiện khí tượng của khu vực để triển khai các giải pháp khoa học nhằm tính toán tải lượng cho phép mà môi trường không khí có thể tiếp nhận. Ngoài ra, theo chu kỳ, các cơ quan chức năng cần tính toán được số lượng, nguồn phát thải ô nhiễm để có giải pháp ngăn chặn, giải quyết kịp thời. Trên cơ sở đó, thiết kế kế hoạch kiểm soát chất lượng không khí hiệu quả, thiết lập các quy định và giấy phép phát thải, xả khí thải, xây dựng các giải pháp giảm ô nhiễm. Công tác này sẽ giúp thành phố đánh giá được các hoạt động sản xuất, tiêu thụ năng lượng, phương tiện hay các tác nhân khác để từ đó đề ra các chiến lược dài hạn về kiểm soát, bảo vệ nguồn không khí.

Ðể công tác này được hiệu quả, các cơ quan chức năng cần đề xuất, kiến nghị thành phố thực hiện đầu tư các trạm quan trắc, phân bố mạng lưới giám sát chất lượng môi trường không khí phù hợp, khoa học để công tác dự báo, giám sát đạt hiệu quả. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhất là đối với các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong hoạt động bảo vệ môi trường; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp áp dụng các mô hình sản xuất sạch, sử dụng các nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường;… Ðối với khí thải phương tiện, nhất là số lượng xe máy, ô-tô tăng quá nhanh, thành phố xúc tiến triển khai các đề án giảm lượng xe máy; tăng cường các loại hình vận tải công cộng "sạch" để từng bước giảm yếu tố gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã diễn ra thời gian qua.

XUÂN PHÚ