Nói không với "xe dù, bến cóc"

Vận tải hành khách luôn là "chuyện nóng" trong những dịp lễ, Tết. Dịp nghỉ lễ nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5 năm nay, chuyện tàu xe lại một lần nữa thu hút nhiều sự quan tâm của người dân thành phố.

Theo dự báo của ngành giao thông vận tải thành phố, năm nay, lượng hành khách từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh tăng khoảng 60% so với ngày thường và tăng khoảng 5% so với dịp này năm ngoái. Ðáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, các đơn vị vận tải hành khách cũng đã lập kế hoạch, huy động phương tiện, chủ động tăng chuyến trên nhiều tuyến đường. Nhằm tạo thuận lợi cho hành khách, các bến xe đều tăng thời gian mở cửa bán vé; bán vé qua tổng đài điện thoại... Bù đắp chi phí chiều xe rỗng, ít khách, các đơn vị, doanh nghiệp vận tải cũng đã công bố kế hoạch phụ thu giá vé từ 20% đến 40% so với giá ngày thường. Dù tỷ lệ phụ thu khá cao nhưng người có nhu cầu vẫn sẵn sàng chấp nhận trong dịp lễ.

Cùng với vận tải đường bộ, các đơn vị vận tải hành khách đường sắt, đường hàng không cũng đã công bố kế hoạch tăng chuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Công ty cổ phần Ðường sắt Sài Gòn cho biết, trong dịp lễ, ngoài những chuyến tàu bình thường, từ ga Sài Gòn mỗi ngày đều có nhiều chuyến tàu tăng cường đi các tỉnh miền trung. Riêng các tuyến Sài Gòn - Phan Thiết; Sài Gòn - Nha Trang; Sài Gòn - Bình Ðịnh, trong dịp lễ, nhà ga chạy thêm gần 30 chuyến tàu tăng cường. Từ ngày 25-4 đến 4-5, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airline) cũng thông báo tăng thêm hàng trăm chuyến bay trên các tuyến nội địa... Với những kế hoạch đã được triển khai như vậy, có thể nói dịp lễ này, ngành giao thông bảo đảm được nhu cầu đi lại của nhân dân…

Dù vậy, người dân còn lo ngại tình trạng "xe dù, bến cóc" lừa đảo hành khách; các "nhà xe" lợi dụng nhu cầu đi lại tăng cao để tăng giá bất thường, nhồi nhét khách, dừng đậu đón, trả khách không đúng nơi quy định, gây mất an toàn giao thông...

Trong những dịp được nghỉ dài ngày, về quê, tham quan, du lịch... là nhu cầu thiết thực của người dân. Các đơn vị doanh nghiệp vận tải đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Ðể những chuyến đi thuận lợi, an toàn, rất mong các ngành chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm tra các phương tiện vận tải, xử lý nghiêm những trường hợp nhồi nhét hành khách, dừng đỗ, đón, trả khách sai quy định; chạy sai luồng, tuyến, vi phạm các quy định về an toàn giao thông.

Chung quanh khu vực bến xe Miền Ðông, Miền Tây và một số tuyến đường nội thành vẫn tồn tại các "bến cóc", các chuyến "xe dù". Giải quyết tình trạng này là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Về phần mình, khi có nhu cầu đi lại, hành khách nên tìm đến bến xe; những đơn vị vận tải có uy tín, để được lưu thông trên những chuyến xe an toàn, "đi đến nơi, về đến chốn". Người dân cần kiên quyết nói "không" với "xe dù, bến cóc" vì những hậu quả mà vấn nạn này gây ra không còn là chuyện hiếm trong việc đi lại lâu nay…