Nói "không" với hành vi xả rác bừa bãi

" Cuộc vận động người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước cần biểu thị bằng hành động cụ thể, thiết thân đối với mỗi người, mỗi ngày, mỗi nơi mình sinh hoạt, cư trú sẽ góp phần mang lại sự đổi thay tích cực, lợi ích bền vững cho môi trường sống và nếp sống của mỗi người, của chính chúng ta". Ðó là lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu tại Lễ phát động vận động nhân dân không xả rác vì thành phố văn minh và giảm ngập nước diễn ra vào ngày 21-10, được các quận, huyện, tổ chức, đoàn thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố hưởng ứng.

"Thiết thân" và "thiết thực" thể hiện sự mong mỏi của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền với mong muốn công dân thành phố hãy hành động quyết liệt để nói "không" với hành vi xả rác, vứt rác bừa bãi, một thói quen xấu cần phải được tẩy chay bằng mọi cách. "Thiết thân" chính là việc mỗi người dân hãy vì căn nhà, góc phố nơi mình sinh sống mà dọn dẹp, bỏ rác, tập kết rác đúng nơi quy định và vận động, tuyên truyền những người chung quanh cùng giữ gìn vệ sinh môi trường. Dành 15 phút mỗi ngày làm sạch khu vực trước nhà mình, tạo bộ mặt cho mỗi con hẻm, mỗi khu phố khang trang hơn, văn minh hơn quả thật là không khó và ít nhất cũng chính vì mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Từ hành vi nhỏ sẽ vun đắp thành những thói quen tốt, thường xuyên, lâu dài.

Người dân thành phố mong mỏi chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng của thành phố hãy mạnh tay hơn để các quy định, chế tài, xử phạt hành vi xả rác, vứt rác bừa bãi được thực thi và đủ sức răn đe để cuộc vận động đi vào thực tế hằng ngày theo hướng "thiết thực" hơn.

Trong thực tế đã có cử tri từng hiến kế với HÐND thành phố giao thêm quyền hạn, nhiệm vụ cho tổ dân phố được quyền giữ người có hành vi vi phạm về môi trường, lập biên bản xử phạt theo quy định, hay nghiên cứu tăng thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm về môi trường cho cấp phường. Thành phố nên khuyến khích người dân tích cực phản ánh, tố giác người vi phạm và có hình thức biểu dương, khen thưởng những hành động này. Ðể kiểm soát tình trạng xả rác bừa bãi, "bắt tận tay"... những người thiếu ý thức, cần nhân rộng mô hình dùng hệ thống ca-mê-ra làm công cụ hỗ trợ giám sát để xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường như thực tế một số địa phương đã vận dụng, mang lại hiệu quả bước đầu khá tích cực. Ðặc biệt, cần tăng cường lực lượng, có sự phân cấp mạnh hơn cho địa phương, quy định một cách rõ hơn về trách nhiệm, thẩm quyền thực hiện xử lý các hành vi vi phạm về môi trường nhằm bảo đảm quy trình xử phạt thật nghiêm minh, rõ ràng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, nhờ quyết liệt vận dụng một số quy định xử phạt liên quan bảo vệ môi trường, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn thành phố đã xử phạt hơn 460 trường hợp vi phạm vệ sinh nơi công cộng với số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng. Nhưng, số vụ vi phạm liên quan đến vệ sinh nơi công cộng bị xử phạt không đáng kể, nhiều chỗ, nhiều nơi vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, công khai gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính khiến hiệu quả xử phạt chưa cao, còn làm theo phong trào; lực lượng chức năng kiểm tra xử phạt về môi trường lại quá mỏng. Mặt khác, quy định xử phạt hiện nay chưa đồng bộ gây khó khăn cho việc áp dụng hình thức xử phạt; chưa quy định cơ chế được sử dụng hình ảnh trích xuất từ ca-mê-ra để phạt nguội…

Một thành phố văn minh không thể chấp nhận những hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhất là việc xả rác bừa bãi. Không chỉ tuyên truyền, vận động, có chế tài xử phạt, mà cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp UBND các quận, huyện, các sở, ngành liên quan rà soát các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác hoạt động chưa phù hợp; khẩn trương thực hiện kế hoạch chuyển đổi các xe thu gom rác chưa đạt chuẩn đến tháng 9-2019 phải hoàn tất. Thành phố cũng vận động xã hội hóa để tăng cường mạng lưới lắp đặt thùng rác công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bỏ rác đúng nơi quy định.

Cùng với đó, chính quyền các quận, huyện cần tăng cường công tác quản lý đối với các đường dây thu gom rác dân lập, rà soát, sắp xếp đội ngũ thu gom rác dân lập, có thông tin đầy đủ cho người dân về tần suất thu gom, thời gian thu gom. Vận động các nhóm thu gom rác dân lập chuyển đổi thành doanh nghiệp, hoặc hợp tác xã để hoạt động quy củ, bài bản hơn…