Nghịch lý dư thừa nhà tái định cư

Đó là chuyện đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Số liệu được chính Sở Xây dựng thành phố cung cấp: Thành phố còn tồn gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư để trống. Trong số này, thành phố giữ lại hơn 8.500 căn hộ, nền đất để bố trí tái định cư cho 460 dự án chỉnh trang đô thị, 5.200 căn hộ còn lại sẽ được mang bán đấu giá.

Giải thích điều này, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, nguyên nhân do chính sách bồi thường, tái định cư thay đổi theo hướng ngày một thoáng hơn. Nếu như trước đây, Nhà nước bồi thường đất của người dân theo giá quy định, các hộ dân bị di dời có xu hướng nhận nhà tái định cư nhiều vì có lợi hơn phương án nhận tiền bồi thường. Tuy nhiên, hiện nay chính sách bồi thường thoáng hơn, giá bồi thường ngang bằng giá thị trường, giá nhà tái định cư cũng cao bằng giá thị trường nên người dân muốn nhận tiền để tự lựa chọn nơi ở.

Một nguyên nhân nữa, quy định yêu cầu phải có nhà tái định cư trước khi di dời người dân, cho nên thành phố phải chuẩn bị quỹ nhà tái định cư lớn. Điều này khiến quỹ nhà do Nhà nước chuẩn bị dư ra. Sở đã xin chủ trương và thành phố cho phép bán đấu giá để thu hồi vốn. Theo Sở Xây dựng thành phố, từ năm 1998 kéo dài đến năm 2007, việc đền bù giải tỏa thực hiện tái định cư theo Nghị định 22. Khi giải tỏa, Nhà nước đền bù theo giá đền bù cho dân hoặc bố trí một căn hộ mới. Lúc đó, nhận nhà có lợi hơn nên người dân ào ào chọn phương án này và bán lại cho người khác để kiếm lời. Trước tình trạng ấy, lãnh đạo thành phố mới đầu tư khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) và khu 12.500 căn tại Thủ Thiêm (quận 2) với mục đích xây dựng một khu tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khi xây xong, dân không ở. Lý do là lâu nay họ ngụ quận 1, quận 6, bỗng dưng đưa về một nơi xa lạ không mấy thích nghi.

Mặc dù Sở Xây dựng khẳng định, thông tin một số dự án nhà tái định cư đang rao bán theo giá thị trường là không có thật, không chuyển nhà tái định cư thành nhà ở thương mại để trục lợi từ chính sách. Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm dự báo, tham mưu của các sở, ngành thành phố ở đâu khi tham vấn cho UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng một số lượng lớn căn hộ tái định cư hao tốn nhiều công sức, tiền của để rồi hôm nay phải vất vả tổ chức bán đấu giá? Đó là chưa kể, nhiều năm nay, các dự án tái định cư như chung cư Vĩnh Lộc B, khu tái định cư Thủ Thiêm, khu tái định cư quận 8 rơi vào tình trạng bỏ hoang, không người ở gây ra tình trạng lãng phí, xuống cấp. Chính lãnh đạo Sở Xây dựng cũng thừa nhận, trong quá trình tái định cư, thành phố cũng đã rút ra được nhiều bài học. Trong đó, không thể bố trí một cách cơ học người dân từ địa bàn này đến địa bàn xa, không thuận tiện cho sinh hoạt và công việc. Thay vào đó, cần phải tái định cư tại chỗ, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người dân. Khi thực hiện công tác giải tỏa, thành phố điều tra khảo sát về pháp lý đất của người dân mà không điều tra xã hội học, thống kê số lượng người dân làm nghề gì, nhu cầu và tâm tư, nguyện vọng ra sao để tính toán được nhu cầu thực tế.

Rất khó để thuyết phục người dân hài lòng khi ngay tại chính thành phố được xem là năng động nhất cả nước lại xảy ra tình trạng hàng nghìn căn nhà bị bỏ hoang xuống cấp, gây lãng phí lớn trong khi hàng nghìn người nghèo không có nhà ở. Cũng khó thuyết phục người dân an tâm bàn giao nhà cửa, đất đai cho thành phố để thực hiện các dự án nhưng sau đó, họ phải tái định cư trong những dự án xa trung tâm, chất lượng xuống cấp, thiếu thốn công ăn việc làm. Cuối cùng, họ phải từ bỏ nhà tái định cư, trở về nơi ở cũ thuê phòng trọ để kiếm kế sinh nhai.

Nhìn thẳng vào sự thật, dám chịu trách nhiệm để sửa chữa những thiếu sót sẽ là phương thuốc niềm tin để người dân an tâm, tin tưởng hơn vào những chính sách của TP Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng thành phố là nơi đáng sống bậc nhất cả nước.