Ngăn ngừa “vi-rút” trên mạng xã hội

Trong khi cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đang vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc” để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan thì vẫn có những người tung các tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội nhằm câu view, trục lợi cá nhân. Có thể xem đây như là một loại vi-rút gây dịch bệnh trên mạng, đòi hỏi các cơ quan chức năng và cả cộng đồng chung tay ngăn chặn, dẹp bỏ.

Mới đây, Công an quận Tân Phú đã ra quyết định phạt 10 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Đ. vì có hành vi đăng tải bài viết có nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội. Trước đó, nam thanh niên này đã đăng tải bài viết có nội dung "TP Hồ Chí Minh bị phong tỏa từ ngày 28-3..." trên trang Facebook cá nhân.

Không chỉ Nguyễn Văn Đ., tính đến ngày 26-3, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã xác minh được 18 tài khoản trên mạng xã hội Facebook tung tin giả về việc phong tỏa toàn bộ thành phố trong vòng 14 ngày, trong đó có tám tài khoản tự gỡ tin giả sau khi các phương tiện thông tin đại chúng thông báo không phong tỏa thành phố; năm tài khoản chưa tháo gỡ thông tin. Đáng lên án là tất cả những đối tượng này đều có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung những thông tin sai trái, tin giả trên mạng xã hội nhằm mục đích phá hoại, gây hoang mang dư luận, bôi nhọ chính quyền hay chỉ đơn giản là để câu view bán hàng trục lợi.

Nhờ vào sự phát triển của mạng xã hội, những tin giả lan truyền với tốc độ chóng mặt và gây ra nhiều mối nguy hại cho xã hội. Lo ngại hơn là tin giả về Covid-19 lại lan truyền qua nhiều nhóm người, qua đối tượng trẻ tuổi, trong đó có cả những nghệ sĩ nổi tiếng cũng đăng tin giả trên trang cá nhân có nhiều người theo dõi. Trong những trường hợp này, tin chắc chắn là giả, nhưng mạng lại không ảo, phát ngôn trên không gian mạng cũng không ảo bởi đứng đằng sau đều là những con người thật, thậm chí những con người này lại có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng…

Để khắc phục tình trạng thông tin sai trái trên mạng xã hội, cùng với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa thông tin chính thức trên báo chí và các phương tiện truyền thông, trên các trang mạng xã hội. Các bộ, ngành không chỉ cung cấp thông tin theo phương pháp truyền thống mà cần tiếp tục hợp tác với các trang mạng xã hội xóa bỏ tin giả, đưa thông tin chính thức lên trên khi tìm kiếm, ra mắt ứng dụng… Bên cạnh đó, mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội cần phải có ý thức trách nhiệm trong việc chia sẻ, bình luận, kịp thời phát hiện những thông tin chưa qua kiểm chứng, sai sự thật.

Các cơ quan thực thi pháp luật cần quy định chặt chẽ, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3-2-2020 của Chính phủ; Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Tòa án nhân dân tối cao quy định mức xử phạt cao đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội. Mong rằng các chế tài xử phạt được ban hành đúng lúc kịp thời này sẽ là "liều thuốc" ngăn ngừa "vi-rút" phát tán tin giả trên mạng xã hội.