Ngăn chặn tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông

Thực tế cho thấy, sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, tại nhiều địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh, việc chấp hành luật được người dân thực hiện khá nghiêm túc.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tình trạng sử dụng rượu, bia đang có những dấu hiệu gia tăng trở lại. Tại nhiều tuyến đường lớn của thành phố các quán "nhậu" hoạt động rôm rả trở lại, thu hút đông đảo khách hàng sử dụng rượu, bia; trong đó, một bộ phận khách sử dụng đến tối khuya, không chỉ gây mất an ninh trật tự tại một số khu vực mà còn tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông đối với chính người sử dụng rượu, bia.

Theo quy định của luật pháp, các cá nhân lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu, bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm, phạt hành chính ở mức cao và bị tước giấy phép lái xe. Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cũng là tình tiết tăng nặng đối với lái xe gây tai nạn. Chế tài rõ ràng rất nghiêm khắc. Thế nhưng, trước những cuộc vui, sự kiện hằng ngày, nhiều người vẫn bất chấp. Nhiều người sử dụng rượu, bia gây ra tai nạn dẫn đến chết người đã phải nhận những bản án nghiêm khắc, có tính răn đe. Tai nạn giao thông do sử dụng quá mức về rượu, bia cũng để lại nhiều hậu quả rất lớn về mặt xã hội, kinh tế.

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, tỷ lệ công dân tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% người say rượu, bia vẫn tiếp tục lái xe. Tại TP Hồ Chí Minh, địa phương có lượng người sử dụng rượu, bia lớn nên hằng năm, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt hàng chục nghìn lượt đối tượng vi phạm nồng độ cồn.

Dịp cuối năm, lễ, Tết mỗi người đều có rất nhiều lý do để sử dụng rượu, bia. Vì thế, để giảm bớt tình trạng này, nhất là kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ về tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng cần quyết liệt triển khai các biện pháp về kiểm tra, xử lý và xử phạt thật nặng để bảo đảm tính răn đe.

Các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100-NÐ/CP của Chính phủ triển khai đã đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình và nguyện vọng của người dân về ngăn chặn, đẩy lùi tác hại của rượu, bia đối với đời sống xã hội, qua đó bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Ðể sử dụng rượu, bia trở thành nếp văn hóa lành mạnh, phù hợp cuộc sống, các cơ quan chức năng bên cạnh áp dụng các biện pháp chế tài xử lý nghiêm, cần triển khai đồng bộ, kiên trì và hiệu quả các biện pháp tuyên truyền. Theo từng đối tượng, các giải pháp cần có những cách làm khác nhau, phù hợp. Ðối với giới trẻ là học sinh, sinh viên cần tuyên truyền cụ thể tác hại của rượu, bia ảnh hưởng đến sức khỏe và trách nhiệm đối với cộng đồng khi tham gia giao thông. Ðối với người lớn, có thể đánh mạnh vào túi tiền của họ để khiến họ phải cân nhắc trước khi quyết định uống rượu, bia.

Các cơ quan chức năng cũng cần quyết liệt hơn với loại hàng hóa này, nhất là siết chặt công tác quản lý kinh doanh, buôn bán để hạn chế đối tượng tiếp cận. Như đã nói ở trên, công tác này cần được triển khai đồng bộ, kiên trì mới tạo được hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhiều chủ trương, quy định dù rất thiết thực, có giá trị thực tiễn cao nhưng khi triển khai chỉ thực hiện theo đợt, phong trào dẫn đến hiệu quả thấp, dễ bị "chìm" bởi những thói quen xấu của một bộ phận người dân.

XUÂN PHÚ