Ngăn chặn hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn

Những ngày gần đây, báo chí đăng tải nhiều thông tin liên quan các đối tượng sản xuất, buôn bán các loại thực phẩm không an toàn trên thị trường.

Tại quận Thủ Đức, Tòa án nhân dân quận tuyên phạt 18 tháng tù giam đối với đối tượng dùng hóa chất độc hại để ngâm củ, quả với số lượng lớn để mang ra thị trường tiêu thụ. Đây là hành động quyết liệt mà các cơ quan chức năng thực hiện mặc dù trước đó, việc đưa các đối tượng vi phạm tương tự chưa từng được đưa ra trước pháp luật để xử lý. Một việc làm có thể nói là rất kịp thời trước sự lo lắng về chất lượng của thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bị sử dụng các loại hóa chất không an toàn để bảo quản, chế biến để lưu thông trên thị trường.

Luật pháp cũng đã quy định rất rõ người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền đến một tỷ đồng hoặc bị phạt tù đến 15 năm, tùy mức độ phạm tội và hậu quả gây ra. Các đối tượng (cá nhân hay tập thể) đều có thể bị xử lý hình sự. Hay đối với hành vi “Vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm” gây tổn hại sức khỏe, hoặc làm chết ba người trở lên cũng có mức xử phạt đến 20 năm tù. Đây là một việc làm vi phạm pháp luật, làm cho sức khỏe của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến chết người. Thế nhưng, thực tế hiện nay, các hành vi vi phạm nêu trên vẫn diễn ra rất phổ biến. Việc phát hiện, ngăn chặn chỉ được thực hiện bằng một phần nhỏ so với phần “chìm” bên ngoài. Để từng bước chấn chỉnh, góp phần tạo dựng thị trường thực phẩm an toàn, thân thiện, rõ ràng, các cơ quan chức năng cần có sự đồng bộ trong kiểm soát các khâu sản xuất, tiêu thụ để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Khi các cơ quan chức năng chưa thể thực hiện đồng loạt, cần thiết phải xử lý triệt để những vụ việc nổi cộm nhằm răn đe các đối tượng khác đang có những động cơ tiêu cực trong hoạt động kinh doanh, buôn bán thực phẩm.

Đối với người dân, để trở thành những người tiêu dùng thông minh, họ cần trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức, kỹ năng để có thể phân biệt, lựa chọn những loại thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, bảo đảm các tiêu chuẩn của các cơ quan chức năng đặt ra. Đây là tiền đề để mỗi cơ sở kinh doanh, nhà sản xuất đưa ra thị trường những sản phẩm an toàn ngay từ khâu sản xuất, từ đó đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố.