Ngăn chặn các hành vi bạo lực

Những ngày gần đây, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ hành xử bạo lực trên đường phố, gây rối trật tự công cộng, gây bức xúc, bất an cho nhiều người.

Hẳn nhiều người dân sống dọc hai bên đường Trường Sa thuộc phường 14, quận 3 vẫn còn bàng hoàng trước cảnh hàng chục thanh niên hò hét, dùng hung khí tự chế đâm chém nhau lúc chiều tối 22-4. Thái độ hung hãn của những kẻ tham gia hỗn chiến khiến những người chứng kiến không dám can ngăn. Trước đó vào chiều 20-4, tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, hàng chục người tham gia một vụ đâm chém. Hậu quả là một người chết, hai người bị thương. Trưa 23-4, cũng trên đường Trường Sa lại xảy ra vụ giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực làm chết một cô giáo. Những hiện tượng nói trên tuy là đơn lẻ, diễn ra bộc phát nhưng gây ảnh hưởng xấu trong xã hội, cần được ngăn chặn triệt để.

Theo thống kê của cơ quan cảnh sát, phần lớn các vụ gây thương tích trên đường phố là do mâu thuẫn, thù tức cá nhân. Phân tích nguyên nhân gây án cho thấy, nhiều vụ xô xát, bạo lực xuất phát từ những lý do rất đơn giản; nhiều trường hợp thủ phạm và nạn nhân còn là bạn bè, người quen biết, thậm chí là người thân, cùng ngồi chung một bàn nhậu, nhưng chỉ vì một vài lời nói không vừa lòng mà dẫn đến cãi vã rồi dùng dao giải quyết bất đồng... Hầu hết những người tham gia khi kết thúc sự việc hoặc đối diện với cơ quan điều tra đều bày tỏ thái độ ăn năn, hối hận vì những hành vi mình đã gây ra. Không chỉ phải trả giá bằng các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật mà những hành vi hung hãn còn để lại nỗi day dứt suốt một thời gian dài vì hậu quả xót xa mà chúng mang lại.

Trong đời sống, mỗi người hằng ngày đều phải giao tiếp với cộng đồng, xã hội. Trong giao tiếp xã hội không phải mọi lúc, mọi nơi, mọi việc đều thuận lợi, suôn sẻ mà còn có những việc không hài lòng, thậm chí đối nghịch về quyền lợi vật chất, tổn thương danh dự... Tuy nhiên, những điều như vậy cần được những người trong cuộc dùng lời nói trao đổi một cách chân thành, tranh luận trên cơ sở khoa học, sao cho thấu tình đạt lý. Cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực không đem lại kết quả mong muốn mà còn làm cho sự bất đồng càng gay gắt hơn, nhiều trường hợp dẫn đến vi phạm pháp luật...

Nhiều người cho rằng, các hành vi bạo lực trên đường phố một phần là do công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa thật sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt; ảnh hưởng của phim ảnh xấu, thông tin tiêu cực trên mạng xã hội... Do vậy, ngoài trách nhiệm các cơ quan chức năng trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật, răn đe, ngăn chặn các hành vi bạo lực, mỗi người dân cũng cần xây dựng cho mình và gia đình lối sống hiền hòa, thân thiện, tránh những trường hợp “Giận quá mất khôn”. Ðây mới là cách phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực xã hội căn bản và hiệu quả nhất.