Nâng cao chất lượng sách do Nhà nước đặt hàng

Hội thảo về “Ðặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước” do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố vừa tổ chức cho thấy, bức tranh về tình hình xuất bản sách do Nhà nước đặt hàng tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian qua tuy hiệu quả nhưng vẫn còn những bất cập cần khắc phục.

Trên thực tế, xuất bản sách do Nhà nước đặt hàng đã có bước phát triển tích cực trong những năm qua, đóng góp lớn trong công tác tuyên truyền theo định hướng của Ðảng và Nhà nước. Nguồn kinh phí Nhà nước dành cho các nhà xuất bản để thực hiện ấn phẩm Nhà nước đặt hàng năm sau cao hơn năm trước, số lượng đầu sách và số lượng bán sách cũng tăng, nội dung có sự đầu tư, cải tiến mạnh mẽ, chất lượng vì thế cũng tăng theo. Nhờ đó, sách Nhà nước đặt hàng đã phát huy tác dụng hiệu quả trong công tác tuyên truyền theo định hướng của Ðảng, Nhà nước về các nội dung cần tính bao quát, tổng thể hay chuyên sâu, nhất là sách phục vụ cho các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Các đầu sách có giá trị về chính trị - xã hội, văn hóa, lịch sử,… có hàm lượng tri thức cao, hơi kén thị hiếu của số đông độc giả đã được Nhà nước hỗ trợ xuất bản và phát hành đến các tổ chức thật sự có nhu cầu tìm kiếm, nghiên cứu sâu, hoặc khai thác và phổ biến kiến thức…

Tuy nhiên, các quy định hiện hành của lĩnh vực này đang có một số vướng mắc cần được tháo gỡ để sách Nhà nước đặt hàng thật sự hấp dẫn và phát huy hiệu quả. Từ năm 2019, Thông tư 07 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành, thay thế Thông tư liên tịch 04 của liên Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 07, các nhà xuất bản đã gặp một số vướng mắc cần được tháo gỡ. Cụ thể, Thông tư 04 quy định cơ quan đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách trung ương là cơ quan chủ quản nhà xuất bản trung ương; cơ quan đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách địa phương do UBND cấp tỉnh ủy quyền cho sở quản lý ngành hoặc cơ quan chủ quản nhà xuất bản địa phương. Tuy nhiên, Thông tư 07 hiện nay lại giao việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách địa phương cho UBND cấp tỉnh. Ðiều này là bất khả thi, bởi khối lượng công việc của UBND thành phố Hồ Chí Minh phải điều hành, quản lý và xử lý quá nhiều. Nếu không có cơ chế ủy quyền cho sở quản lý ngành hoặc cơ quan chủ quản nhà xuất bản của thành phố thì không cách nào UBND thành phố “ôm” việc đặt hàng và duyệt chi tiết các tựa, số bản in xuất bản phẩm hằng năm. Như vậy, quy định về cơ quan đặt hàng xuất bản phẩm địa phương “đã có bước lùi” so với quy định cũ, khi mà Chính phủ đang yêu cầu tăng cường ủy quyền, phân nhiệm cho cấp dưới thực thi theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Thêm nữa, vấn đề sách Nhà nước đặt hàng có cần bắt buộc là sách mới hay không, quy cách xuất bản phẩm đặt hàng, địa chỉ nhận xuất bản phẩm đặt hàng… trong Thông tư 07 vẫn còn nhiều điều chưa phù hợp. Chính vì thế, cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất bản cần có những điều chỉnh, bổ sung các quy định sát với thực tiễn, tạo điều kiện cho các đơn vị xuất bản ra đời ngày càng nhiều những ấn phẩm do Nhà nước đặt hàng có chất lượng, hấp dẫn, thu hút được với nhiều đối tượng bạn đọc.