Lại vi phạm trật tự xây dựng

Lại thêm 20 công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) quy mô lớn được phát hiện tại quận Tân Bình. Vụ vi phạm này xuất phát từ đơn tố cáo nặc danh của một người dân.

Từ đơn tố cáo, Sở Xây dựng thành phố đã kiểm tra 39 công trình, phát hiện 11 công trình sai phép và chín công trình không phép. Nhiều công trình có diện tích sai phép lên đến hàng trăm mét vuông với các sai phạm như: Lấp ô thông tầng, xây dựng sai diện tích phòng trên sân thượng. Trong đó, các công trình không phép thuộc dạng nhà đã hoàn công, đã được cấp chứng nhận sở hữu công trình nhưng sau đó chủ đầu tư tiếp tục xây dựng. Hầu hết các công trình vi phạm được xây dựng từ năm 2015 đến nay.

Trước đó không lâu, UBND quận 10 cũng phát hiện bảy công trình xây dựng sai phép quy mô lớn với diện tích từ 136 - 996 m2. Cũng như ở quận Tân Bình, điểm chung của những công trình này là vi phạm trong thời gian dài, quy mô lớn, có hệ thống và cố tình vi phạm. Sáu trong số bảy công trình vi phạm là do một cá nhân và họ hàng làm chủ đầu tư. Nghiêm trọng hơn, càng bị xử phạt thì công trình vi phạm càng được xây dựng thêm. 

Điển hình như công trình khách sạn Ken 2 (số 766/12 đường Sư Vạn Hạnh) được cấp phép quy mô năm lầu. Tháng 12-2018, công trình đã bị xử phạt hành chính, yêu cầu phá dỡ hành vi lấp ô thông tầng, cơi nới sân thượng, tăng tầng. Đến tháng 4-2019,  khi tiếp tục bị xử phạt thì chủ đầu tư đã hoàn chỉnh các hạng mục vi phạm xây dựng, đưa công trình vào sử dụng khách sạn. Đến nay, khi kiểm tra hiện trạng thì công trình này đã xây dựng sai phép thêm ba lầu (6, 7, 8) với tổng diện tích vi phạm hơn 461m2.

Vì sao những công trình vi phạm TTXD quy mô lớn như vậy lại có thể diễn ra trong một thời gian dài ngay tại các địa phương ở trung tâm thành phố? Theo lý giải của đại diện quận 10: Khi Thanh tra Sở Xây dựng thành phố lập biên bản vi phạm, chủ đầu tư có mối quan hệ với Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam gửi đơn cứu xét đến các cơ quan chức năng và xin điều chỉnh giấy phép, hợp thức hóa vi phạm. Địa phương cũng gặp khó khi tiếp xúc, vận động chủ đầu tư vì không hợp tác, tránh né. 

Cả quận 10 và quận Tân Bình đều thừa nhận, lãnh đạo đội thanh tra xây dựng địa bàn thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm có hệ thống. Công tác phối hợp giữa đội thanh tra địa bàn và UBND các phường có hạn chế như chưa kiên quyết xử lý vi phạm; không ngăn chặn kịp thời, để các công trình bị lập biên bản vi phạm tiếp tục thi công; không xử lý đơn vị thi công. 

Đến nay, ngoài việc kiên quyết cưỡng chế hoàn trả hiện trạng những công trình vi phạm, UBND quận 10 đã xử lý trách nhiệm ba cá nhân gồm hai lãnh đạo phường (chủ tịch UBND và phó chủ tịch UBND với hình thức cảnh cáo và khiển trách) và công chức phụ trách đô thị. Phía Thanh tra Sở Xây dựng thành phố cũng kỷ luật hai cán bộ thanh tra phụ trách địa bàn (mức cao nhất là cảnh cáo). UBND quận Tân Bình cho biết, sẽ kiểm điểm các cá nhân có trách nhiệm để xảy ra sai phạm.

Từ ngày 25-7-2019, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có Chỉ thị số 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTXD trên địa bàn thành phố nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm TTXD tồn tại nhiều năm tại thành phố; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để xảy ra vi phạm. Việc các quận 10, Tân Bình cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, kiểm điểm cán bộ là việc bắt buộc phải làm khi những công trình vi phạm TTXD được phanh phui… 

Tuy nhiên, thật khó để người dân tin rằng những vi phạm như đã nêu trên chỉ có “sự buông lỏng quản lý”. Thực tế cho thấy, ở nhà dân, chỉ cần một xe cát vừa đổ xuống đã có lực lượng chức năng đến kiểm tra. Đó là chưa kể đã từng xảy ra nhiều trường hợp có sự “bắt tay” giữa một số người có trách nhiệm và chủ những công trình vi phạm để cùng hưởng lợi. 

Người dân kiến nghị, quận 10 và quận Tân Bình cần phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra, xử lý tận gốc vấn đề. Biện pháp hữu hiệu nhất để chấn chỉnh được tình trạng vi phạm TTXD là “đốn gốc” chứ không phải để mọc ngọn rồi đi “cắt ngọn”. Người dân cần chính quyền xử lý nghiêm minh cá nhân vi phạm, thậm chí phải bồi thường cho những thiệt hại của người dân (nếu có). Chỉ khi làm thật nghiêm minh thì cá nhân các công chức mới không dám "buông lỏng quản lý" và người dân cũng không dám vi phạm nữa…