Kiểm soát và xử phạt nghiêm vi phạm khi thi công đào đường

Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành danh mục 749 tuyến đường, đoạn đường hạn chế thi công đào đường vào ban ngày (từ 5 giờ đến 22 giờ), nhằm chấn chỉnh tình trạng thi công "xé rào" của một số công trình để "chạy" tiến độ, làm ảnh hưởng việc đi lại và cuộc sống của người dân. Trước đó, vào cuối năm 2018, Sở cũng công bố danh mục các tuyến đường, đoạn đường sẽ thi công trên địa bàn thành phố trong hai năm 2019-2020. Ðiều đáng nói là trong số hơn hai trăm tuyến đường, đoạn đường sẽ thi công trên địa bàn thành phố trong hai năm nêu trên, có đến 99 tuyến đường có phạm vi thi công trùng lặp liên quan chủ yếu đến các công trình phục vụ dân sinh như thi c&ocir

Trong quá trình chỉnh trang, phát triển đô thị, tất yếu phải triển khai công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo các công trình cũ xuống cấp hoặc thay thế bằng công trình mới phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, công tác thi công cầu, đường, hạ tầng giao thông từ lâu đã trở thành nỗi lo, gây nhiều bức xúc cho người dân thành phố vì ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông vào giờ cao điểm, làm đảo lộn cuộc sống của người dân sống gần công trình, gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ kinh doanh, buôn bán; thậm chí còn khiến người đi đường bất an vì sự tắc trách của đơn vị thi công đã gây ra không ít vụ tai nạn dẫn đến thương vong. Ngán ngẩm nhất vẫn là tình trạng trên cùng một tuyến đường, một đoạn vỉa hè nhưng các đơn vị thi công "đào lên lấp lại" năm bảy lần, mạnh ai nấy làm, không có sự phối hợp đồng bộ, kéo dài nhiều ngày. Trong năm 2018, Thanh tra Sở GTVT đã tăng cường kiểm tra các công trình thi công trọng điểm như hầm chui An Sương (quận 12), cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp - Phú Nhuận), công trình cải tạo môi trường nước giai đoạn 2, qua đó xử lý và tiến hành lập biên bản, xử phạt cả trăm triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là rào chắn tràn ra đường, không có biển báo công trình, nhất là hành vi "không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong" (chiếm hơn 50%) đã tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Lãnh đạo Sở GTVT thừa nhận, thời gian qua có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhà thầu kéo dài thời gian thi công công trình gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Ðơn cử như đơn vị khảo sát lập dự án chưa tốt, nên khi thi công bị vướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện, nước dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài; một số chủ đầu tư, tư vấn giám sát buông lỏng công tác điều hành quản lý ngoài công trường, không có biện pháp xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm trong quá trình thi công... Cùng với đó là những nguyên nhân khách quan như do nguồn vốn phân bổ cho các đơn vị có nhu cầu thi công công trình hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng thi công "chạy" để giải ngân vào thời điểm cuối năm!

Thiết nghĩ, dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan, để chấn chỉnh tình trạng thi công chiếm dụng mặt đường kéo dài, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh, Thanh tra Sở GTVT và các đơn vị quản lý trực thuộc cần tăng cường kiểm tra, xử phạt thật nghiêm; thậm chí đẩy mạnh biện pháp cấm thi công có thời hạn tùy theo mức độ nặng nhẹ đối với đơn vị thi công cũng như xử phạt thật nặng chủ đầu tư nhằm tăng tính răn đe. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng thi công đào đường trùng lặp, vá víu gây lãng phí tiền của Nhà nước, làm dư luận nhân dân bức xúc thì các đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật cùng các đơn vị quản lý chuyên ngành điện, nước, viễn thông cần ngồi lại bàn bạc để có kế hoạch thi công, cải tạo hạ tầng một cách đồng bộ và xuyên suốt từ bước lập dự án đầu tư đến triển khai thi công công trình, bảo đảm tính đồng bộ công trình của các ngành khác nhau. Về lâu dài, thành phố cũng nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới khoan ngầm đã và đang thực hiện ở một số công trình trọng điểm thay vì đào hở, vừa tiết kiệm chi phí nhân công vừa hạn chế tình trạng thi công chiếm dụng mặt đường gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.